Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tới thăm sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 cho thấy Việt Nam là đối tác quan trọng của Moscow ở Đông Nam Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Nguồn: Sputnik) |
Phó Giáo sư chuyên ngành phương Đông học thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quan hệ quốc tế (Bộ Ngoại giao Nga) Anna Kireeva chia sẻ đánh giá và kỳ vọng về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam từ ngày 19-20/6.
Theo Phó Giáo sư Kireeva, chuyến thăm có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ Việt Nam-Nga. Bởi đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lần gần đây nhất ông Putin đến thăm Việt Nam là vào năm 2017 khi tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ông Putin tới thăm sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào đầu tháng 5 vừa qua. Phó Giáo sư Kireeva đánh giá điều này cho thấy Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á, đồng thời định vị Việt Nam là ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của Nga nói chung, không chỉ ở Đông Nam Á.
Do đó, Phó Giáo sư Kireeva tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ tạo động lực chính trị cho quan hệ hai nước.
Đánh giá về chương trình nghị sự của chuyến thăm, Phó Giáo sư Kireeva chỉ ra rằng, hiện nay do bối cảnh quốc tế thay đổi, Nga chú trọng tăng cường quan hệ với các nước Nam bán cầu, đặc biệt là các nước ở châu Á, nơi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò then chốt.
Vì vậy, trước hết chuyến thăm nhằm khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao giữa Việt Nam và Nga và là sự tái khẳng định những cam kết tuân thủ các nguyên tắc phát triển quan hệ của cả hai nước.
Mục đích thứ hai của chuyến thăm là xây dựng chương trình nghị sự kinh tế, các hiệp định kinh tế, nhiệm vụ cụ thể mà cả hai bên phải đạt được và thực hiện vào năm 2030. Chuyến thăm cũng cho phép tổng kết những kết quả hai bên đã đạt được, ví dụ trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu của Đại học Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng hiện là thời điểm rất quan trọng khi Nga đang tái cơ cấu quan hệ kinh tế đối ngoại. Là một quốc gia đang phát triển, một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam hoàn toàn có khả năng mang lại những cơ hội rất lớn cho Nga ở góc độ đầu tư song phương, sản xuất, nông nghiệp, kết nối logistics, du lịch...
Ở chiều ngược lại, Nga có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều khả năng trong lĩnh vực công nghệ số, xây dựng thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là khi thủ đô của Nga là một trong những thành phố tiên tiến nhất trên thế giới về cơ sở hạ tầng đô thị.
Đồng thời, Phó Giáo sư Kireeva cũng nêu một số biện pháp cụ thể nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa hợp tác Việt-Nga trong nhiều lĩnh vực, mở rộng các kế hoạch hợp tác hiện có và cụ thể hóa những kế hoạch hợp tác mới.
Theo vị chuyên gia này, hai nước cần tăng khối lượng đầu tư vào thị trường của nhau. Để làm được điều này, bà Kireeva cho rằng nên thành lập một thể chế đặc biệt hỗ trợ hợp tác, đó có thể là một quỹ hoặc chương trình đặc biệt.
Trong lĩnh vực giáo dục, Phó Giáo sư Kireeva gợi ý hai nước có thể cân nhắc hướng tới xây dựng một chương trình giáo dục chung, bao gồm hệ thống song bằng và trao đổi thực tập sinh thường xuyên hơn.
Theo Petrotimes.vn