PV: Xin ông cho biết, năm 2014, PVC đã có những bước phát triển như thế nào?
Ông Bùi Ngọc Thắng: Hai năm qua là giai đoạn đầy biến động đối với PVC. Bên cạnh các khó khăn chung mà các doanh nghiệp Nhà nước gặp phải, PVC còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách từ đặc thù riêng của tổng công ty.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự hỗ trợ của các ban, các đơn vị thành viên Tập đoàn và đặc biệt là từ sự chủ động sáng tạo của gần 5.000 người lao động, trong năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của PVC đã có những bước hồi phục đáng mừng. Để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc tổng công ty (TCT) tập trung chỉ đạo Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác thi công các dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình II, NMNĐ Vũng Áng 1 và Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm CBCNV PVC trên công trường NMNĐ Thái Bình 2
Với Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC, trong năm 2014 dự án đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao với các chỉ tiêu như: Sản lượng ước đạt trên 5.615 tỉ đồng, bằng 108% KH năm; doanh thu ước đạt 5.003 tỉ đồng, bằng 113% KH năm. Cho đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể dự án đạt 45%. Các công tác về tư vấn quản lý dự án và tư vấn thiết kế, công tác mua sắm thiết bị chính của nhà máy, công tác thi công xây dựng và lắp đặt… đều đảm bảo tiến độ đề ra. Đối với Dự án NMNĐ Vũng Áng 1, PVC đã cơ bản hoàn thành hạng mục được giao như: Cửa nhận nước làm mát, hệ thống cung cấp than, kênh xả nước làm mát, trạm bơm nước thu hồi, hầm tunnel, forebay… Hiện chúng tôi đang tiến hành các công việc còn lại của hạng mục bãi thải xỉ để đạt kế hoạch hoàn thành trong năm 2014. Bên cạnh đó, các hạng mục công trình thuộc Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do PVC thi công đạt sản lượng đạt 670,16 tỉ đồng, doanh thu 522,89 tỉ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, PVC cũng đẩy mạnh công tác tiếp thị và đấu thầu, tìm kiếm công việc. Trong năm 2014, Công ty Mẹ đã thực hiện tiếp thị, đấu thầu, chào giá 14 gói thầu thuộc các dự án EPC NMNĐ Quảng Trạch 1, kho chứa LNG Thị Vải, Dự án Lọc hóa dầu Long Phú, Dự án NMNĐ Long Phú 1, Dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn...
Đối với các đơn vị thành viên của TCT, trong năm 2014 đã thực hiện tiếp thị 81 gói thầu, đấu thầu 65 gói thầu và đã trúng thầu, được chỉ định thầu 36 gói thầu với tổng giá trị khoảng 3.068 tỉ đồng. Các đơn vị thành viên cũng đã thực hiện ký kết được tổng số 46 hợp đồng kinh tế với tổng giá trị hợp đồng gần 2.877 tỉ đồng tập trung chủ yếu ở các đơn vị phía nam như PVC-MS, PVC-IC và PVC-PT.
PVC cũng đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh toán, thu hồi vốn tại các dự án, thu hồi công nợ tồn đọng, đồng thời làm việc với các tổ chức tín dụng để thu xếp vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014.
PV: Sau 2 năm phải vật lộn với giông bão, hoạt động sản xuất kinh doanh thuần của PVC bắt đầu có hiệu quả. Xin ông cho biết đâu là nguyên sâu xa giúp PVC hồi phục?
Ông Bùi Ngọc Thắng: Để PVC có thể từng bước vượt qua khó khăn, lấy lại hình ảnh, thương hiệu của một doanh nghiệp xây lắp chuyên ngành dầu khí là một chặng đường còn nhiều chông gai, cần nhiều thời gian. Đảng bộ, tập thể CBCNV của PVC đã thực hiện đồng bộ 3 giải pháp.
Trước tiên, PVC ưu tiên mọi nguồn lực, máy móc, thiết bị của TCT và các đơn vị thành viên triển khai các dự án trọng điểm của Tập đoàn như: NMNĐ Vũng Áng 1, NMNĐ Thái Bình 2, dự án của các nhà thầu hoạt động tại Việt Nam, dự án dầu khí của Bộ Quốc phòng… song song với việc tiếp thị các dự án mới.
Đổ bê tông trong đêm
Đồng thời quyết liệt trong công tác hoàn chỉnh các hồ sơ thanh quyết toán của các dự án đang dở dang như: Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy PVTex Đình Vũ, Dự án Khách sạn Lam Kinh, Khách sạn Thái Bình… Để thực hiện hiệu quả công tác này, PVC đã thành lập các bộ phận chuyên trách thu hồi công nợ trong nội bộ TCT và các nhà thầu trong hệ thống PVC. Song song với đó là tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc triển khai Đề án tái cơ cấu của PVC đã được Chính phủ và Tập đoàn phê duyệt.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, TCT thường xuyên rà soát và triển khai kế hoạch chi tiết để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý nội bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu quản lý điều hành trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Ngoài ra, để tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, PVC đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh tại một số công ty con và ban điều hành dự án, qua đó đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh một số nội dung tại các đơn vị. Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của PVC đối với người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác, PVC đã tiến hành thay thế, kiện toàn 38 lượt người đại diện tại 20 đơn vị.
Việc tái cơ cấu đối với các công ty con, liên kết và đầu tư tài chính cũng được chúng tôi triển khai hết sức quyết liệt. Đối với các công ty con, PVC đã làm rõ thực trạng tình hình tài chính của các công ty con, đặc biệt đối với các công ty con hoạt động không hiệu quả, không bảo toàn được phần vốn góp của PVC tại đơn vị, đồng thời xác định rõ một số công ty con không có khả năng hoạt động liên tục Đối với các đơn vị không còn khả năng hoạt động liên tục, PVC đang làm việc với tư vấn luật để được tư vấn về các trình tự, thủ tục thực hiện giải thể, phá sản theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 10/3/2014, PVC đã ban hành Nghị quyết số 185/NQ-XLDK về việc phê duyệt chủ trương thoái toàn bộ phần vốn góp của PVC tại 13 công ty con, công ty đầu tư tài chính và công ty liên kết đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Thực hiện Nghị quyết nêu trên, PVC đã tiến hành thoái vốn thành công đối với phần vốn góp tại Công ty CP Khoáng sản FECON, một phần vốn góp tại Công ty CP Xây dựng Sông Hồng, hiện đang đàm phán để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty CP Xi măng Hạ Long và Công ty CP Cơ điện Dầu khí Việt Nam (PV E&C).
PVC cũng đã tiến hành thoái vốn một phần vốn tại các đơn vị đã niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Công ty CP Địa ốc Dầu khí, Công ty CP Dầu khí Đông Đô, Công ty CP Xây lắp Dầu khí Miền Trung. Đối với các đơn vị chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, PVC đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và tư vấn tổ chức bán đấu giá cổ phần theo quy định.
Bên cạnh việc thực hiện thoái vốn tại các đơn vị, PVC cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục rà soát, tìm kiếm các đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng các dự án khác như: Bạc Liêu Tower (PVC-Mekong), Sunlight Hải Phòng (PVC-Đông Đô), Sân golf Nha Trang (Petroland và INT)…
Chính vì vậy, trong năm 2014, PVC chỉ còn hợp nhất 9 đơn vị chi phối, bao gồm PVC-TB, PVC-PT, PVC-MS, PVC-IC, PVC-Mekong, PVC-Petroland, PVC Land, PVC-Phú Đạt, PVC-Đông Đô…
PV: Vừa phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa tập trung cho công tác tái cơ cấu, PVC đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Thắng: Trong năm 2014, để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án do Tập đoàn giao, PVC chỉ giao việc cho các công ty con đủ năng lực nằm trong chiến lược phát triển của PVC như PVC-MS, PVC-PT, PVC-IC, PVC - Phú Đạt, PVC-DH… Chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con khác của PVC gặp rất nhiều khó khăn, việc tiếp thị, ký hợp đồng đạt kết quả thấp, trong khi các công trình, dự án chuyển tiếp lại ở trong giai đoạn cuối, dẫn đến tỷ lệ thực hiện kế hoạch được giao đạt rất. Bên cạnh đó, giá trị khối lượng dở dang, công nợ phải thu tại các đơn vị lớn, dẫn đến các đơn vị vừa phải lo thu xếp vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng, đồng thời phải hạch toán các chi phí trích lập dự phòng các khoản công nợ làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, điển hình là tại PVC-PT, PVC-TH, PVC-TB. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như PVC-Petroland, PVC-Đông Đô, PVC-Land tiếp tục phải giãn tiến độ triển khai các dự án, không thể bán được hàng, thu tiền, đặc biệt khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.
Công tác tái cơ cấu các đơn vị thành viên của TCT gặp rất nhiều khó khăn. Theo kế hoạch thoái vốn thoái vốn tại 10 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, PVC đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn trên sàn. Tuy nhiên, do tình hình công nợ và kết quả kinh doanh thua lỗ tại các đơn vị, đồng thời thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nên việc thoái vốn của PVC còn gặp nhiều khó khăn.
PV: Xin ông cho biết, mục tiêu của TCT trong năm 2015 như thế nào và sẽ tập trung vào lĩnh vực cụ thể nào để vượt qua khó khăn?
Ông Bùi Ngọc Thắng: Với những thành quả đạt được trong năm 2014, tập thể lãnh đạo và CBCNV PVC sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại nêu trên trong năm tới và phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 đã được Tập đoàn phê duyệt.
Căn cứ những kết quả đạt được năm 2014, nguồn công việc chuyển tiếp cũng như tình hình tiếp thị đấu thầu và công tác triển khai các công trình dự án, các công việc dự kiến sẽ ký hợp đồng trong năm 2015, PVC xây dựng mục tiêu kế hoạch năm 2015 và được Tập đoàn phê duyệt, cụ thể: Tổng giá trị sản xuất kinh doanh toàn tổ hợp phấn đấu đạt 10.200 tỉ đồng (tăng trưởng 104,59% so với năm 2014), doanh thu 9.450 tỉ đồng (tăng 103,7%), lợi nhuận trước thuế 71 tỉ đồng.
Công nhân PVC đổ bê tông cọc móng trên công trường NMNĐ Thái Bình 2
Lãnh đạo TCT cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, trong đó tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phương án tái cơ cấu đã được Tập đoàn phê duyệt, tổ chức triển khai quyết liệt, tập trung vào lĩnh vực ngành nghề hoạt động chính, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại Công ty Mẹ - PVC. Rà soát, sắp xếp lại công ty thành viên để hình thành các đơn vị thi công chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo đủ năng lực cùng Công ty Mẹ tham gia thực hiện các hợp đồng EPC lớn.
PVC cũng đang nỗ lực chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nguồn vốn, cơ sở vật chất, thiết bị thi công để có thể triển khai các công trình, dự án trọng điểm của Tập đoàn và của các chủ đầu tư giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, nhằm tạo cơ sở phát triển bền vững cho PVC trong tương lai.
Để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2015, PVC cũng xây dựng và quyết tâm thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ.
Trước hết, PVC sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện công tác tái cơ cấu tổng thể TCT: Hoàn thành công tác kiện toàn mô hình tổ chức quản lý Công ty Mẹ theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện được vai trò định hướng với các đơn vị thành viên. Quyết liệt trong công tác thoái vốn đối với các đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của TCT. Tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư ra ngoài thông qua việc minh bạch vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của Người đại diện phần vốn, đặc biệt xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích của TCT. Hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ; Thường xuyên thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá và phân loại cán bộ, công tác luân chuyển và điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, TCT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án trọng điểm NMNĐ Thái Bình 2, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai dự án NMNĐ Sông Hậu; Chủ động đề xuất Tập đoàn tiếp tục triển khai Dự án NMNĐ Quảng Trạch 1. Bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn để đẩy mạnh thực hiện công tác tiếp thị, đấu thầu, tìm kiếm công việc gối đầu cho những năm sau. Kiểm điểm tình hình thực hiện toàn bộ các công trình, dự án đã và đang triển khai để đánh giá thực chất hiệu quả kinh tế và rút ra bài học kinh nghiệm cho các công trình, dự án tiếp theo. Tăng cường công tác quản lý kinh tế, hạch toán kinh doanh tại từng công trình, dự án.
Cuối cùng, TCT quyết liệt hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán các dự án còn dở dang, tập trung xử lý, thu hồi công nợ theo đúng các quy định của pháp luật và tổng công ty. Quy định rõ trách nhiệm của tập thể, các nhân có liên quan, đồng thời có lộ trình cụ thể, đề ra các giải pháp xử lý kịp thời.
PV: TCT cần hỗ trợ như thế nào từ phía Tập đoàn và các TCT thành viên để phát triển hơn trong năm tới?
Ông Bùi Ngọc Thắng: Để có thể từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực cao của tập thể cán bộ, người lao động, PVC rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn. PVC sẽ chủ động đề xuất các nội dung cụ thể để Tập đoàn có các chỉ đạo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho PVC. Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt tập thể CBCNV PVC xin được bày tỏ sự biết ơn đối với Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã cưu mang, chỉ đạo, hỗ trợ PVC trong gian đoạn khó khăn này.
Đảng bộ và toàn thể CBCNV PVC sẽ quyết tâm đoàn kết, chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhất các dự án, công trình mà PVC đang và sẽ triển khai trong thời gian tới, từng bước ổn định và khôi phục hình ảnh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, xứng đáng với truyền thống 31 năm (14/9/1983 - 14/9/2014) thành lập và phát triển của PVC.
PV: Xin cám ơn ông!
Ước tính trong năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh của toàn tổ hợp thực hiện trên 9.752 tỉ đồng, đạt 114,7% KH năm (tăng 170% so với năm 2013), trong đó Công ty Mẹ ước thực hiện 6.982,7 tỉ đồng đạt 107,4% KH năm (tăng 204% so với năm 2013); Tổng doanh thu 9.116 tỉ đồng, đạt 121% KH năm (tăng 172% so với năm 2013), trong đó Công ty Mẹ ước đạt 6.836 tỉ đồng, đạt 124% KH năm (tăng 290% so với năm 2013). Năm 2014, giá trị nộp ngân sách nhà nước toàn tổ hợp ước đạt 517,64 tỉ đồng, bằng 184,9% KH năm (tăng 110,8% so với năm 2013), trong đó Công ty Mẹ đạt 282,77 tỉ đồng, bằng 209,5% KH năm (tăng 183,2% so với năm 2013). Thu nhập bình quân người lao động đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng, đạt 103,9% KH năm, tăng 115% so với năm 2013. |