Tin Tập đoàn

Cần gần 4.000 nhân sự cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 26/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035".

Đây là bước đi cụ thể nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao, sẵn sàng cho việc khởi động và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, trước mắt là phục vụ vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, vận hành và an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển bền vững năng lượng hạt nhân vì mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tổng nhu cầu nhân lực dự kiến khoảng 1.920 người, trong đó có 1.020 người đạt trình độ đại học (kỹ sư, cử nhân), 900 người trình độ cao đẳng. Đáng chú ý, trong số nhân lực trình độ đại học, sẽ có khoảng 320 người được đào tạo mới ở nước ngoài.

Với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tổng số nhân lực cần thiết là khoảng 1.980 người, bao gồm 1.050 người có trình độ đại học và sau đại học, 930 người trình độ cao đẳng. Trong đó, khoảng 350 người có trình độ đại học và sau đại học sẽ được cử đi đào tạo mới ở nước ngoài.

Cùng với công tác đào tạo chuyên môn, Đề án cũng chú trọng đến hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức đang trực tiếp quản lý và tham gia lĩnh vực điện hạt nhân. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 700 lượt người sẽ được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao kỹ năng quản trị và điều hành nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, khoảng 450 giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên đang giảng dạy, làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân cũng sẽ được cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn.

Một trong những trọng tâm quan trọng của Đề án là đào tạo giảng viên chuyên ngành, với mục tiêu hình thành đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ năng lực để đảm đương công tác đào tạo dài hạn cho hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Dự kiến sẽ có khoảng 120 giảng viên được đào tạo (gồm 80 thạc sĩ và 40 tiến sĩ) để bổ sung cho các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân.

Giai đoạn 2031-2035, Đề án tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế khi các nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành thương mại, đồng thời từng bước xây dựng năng lực chuyên môn và kỹ thuật dài hạn cho ngành điện hạt nhân quốc gia.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Đề án đưa ra loạt nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đào tạo nhân lực điện hạt nhân; tổ chức đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài; đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo trọng điểm; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; cập nhật và hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu điện hạt nhân.

Cụ thể, Đề án ưu tiên tuyển chọn các sinh viên đã tốt nghiệp cùng nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ để cử đi đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân, có cam kết phục vụ tại Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Đồng thời, sinh viên năm nhất, năm hai tại các trường đại học trong nước cũng có thể được lựa chọn để đi học ở nước ngoài theo diện học bổng có ràng buộc phục vụ nhà máy sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, Đề án khuyến khích tổ chức các chương trình khảo sát, trao đổi học tập tại các quốc gia có ngành điện hạt nhân phát triển cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý và nhà khoa học đầu ngành; triển khai các khóa đào tạo lại, thực tập chuyên sâu cho kỹ sư, cử nhân, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu hạt nhân trong nước.

Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo sẽ được lựa chọn để đầu tư trọng điểm về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo nhân lực điện hạt nhân đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Việc phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035" thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước phục hồi và phát triển điện hạt nhân một cách bài bản, có kiểm soát, trên nền tảng nhân lực được đào tạo chuyên sâu, đồng bộ. Đây là tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo sự thành công trong triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, góp phần hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho đất nước.

Theo tin từ pvn.vn

Bài viết liên quan