Cần chính sách đặc thù cho từng doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay phát triển rất đa dạng thể hiện ở quy mô, lĩnh vực hoạt động, cơ cấu tổ chức và cả nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Có những doanh nghiệp nắm giữ vai trò trụ cột trong các ngành kinh tế chiến lược như: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)... Bên cạnh đó là các DNNN vừa và nhỏ hoạt động ở địa phương, trong các ngành ít mang tính chiến lược hơn.
Không thể áp dụng một cơ chế quản lý, giám sát và đầu tư giống nhau cho nhóm các doanh nghiệp này. Việc “đồng phục hóa” cơ chế điều tiết có thể dẫn đến một loạt hệ lụy như thủ tục hành chính rườm rà, sự trì trệ trong ra quyết định đầu tư, lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp lớn nếu không có cơ chế linh hoạt sẽ dễ bị hụt hơi trước các đối thủ tư nhân hoặc nước ngoài.
Trao đổi với PV về việc hiện nay Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang đồng nhất chung một mô hình quản lý, quy trình đầu tư, cơ chế giám sát... với các doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Bạch Quốc tế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng chung một mô hình quản lý vốn nhà nước tại các DNNN có thể tạo ra một số thuận lợi như giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và tạo sự đồng bộ, liên thông về thông tin giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng những thuận lợi này là không đáng kể so với các bất cập.
Luật sư Hoàng phân tích, hiện nay DNNN hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải (đường sắt, đường bộ, hàng không), năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế biến... với đặc điểm, quy mô và điều kiện hoạt động rất đa dạng. Việc áp dụng một khung pháp lý thống nhất sẽ không phản ánh được đặc thù của từng ngành, từng vùng miền, từng loại hình doanh nghiệp, từ đó gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, xã hội mà Nhà nước giao.
Đặc biệt, Luật sư Hoàng nhấn mạnh, các DNNN trọng yếu như Petrovietnam, EVN hay các doanh nghiệp quản lý hạ tầng chiến lược (hàng không, cảng biển, đường sắt...) cần có cơ chế đặc thù về đầu tư, thuế, quản trị rủi ro cũng như việc thực hiện nhiệm vụ công ích.
Do đó, Luật sư Hoàng nhấn mạnh, cần thiết phải phân loại DNNN theo nhóm, ví dụ nhóm doanh nghiệp giữ vai trò an ninh năng lượng, nhóm phục vụ an sinh xã hội, nhóm sản xuất, kinh doanh thuần túy... để có quy định và cơ chế quản lý phù hợp. Những doanh nghiệp trọng yếu cần được hưởng chính sách đặc thù về đầu tư, thuế, quản trị rủi ro và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Hiện nay, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, nhiều DNNN còn được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội như đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển vùng sâu vùng xa, giữ ổn định thị trường trong những giai đoạn biến động. Những nhiệm vụ này thường không mang lại lợi nhuận, thậm chí gây lỗ, nhưng có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Vì vậy, nếu chỉ áp dụng tiêu chí đánh giá doanh nghiệp theo hiệu quả tài chính đơn thuần mà không tính đến các yếu tố đặc thù sẽ là không hợp lý. Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng cơ chế bù đắp, hỗ trợ, phân loại và đánh giá phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, nhất là các đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Phân hóa để phát triển bền vững
Việc phân loại doanh nghiệp theo quy mô vốn, ngành nghề, chức năng nhiệm vụ... không chỉ là yêu cầu khách quan từ thực tiễn mà còn là điều kiện để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình phân loại và quản lý riêng đối với từng nhóm DNNN, từ đó xây dựng chính sách đầu tư, quản trị và giám sát phù hợp, đảm bảo vừa kiểm soát rủi ro, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Luật sửa đổi cần làm rõ tiêu chí phân loại DNNN; quy định các cơ chế quản lý, đầu tư, giám sát linh hoạt theo từng nhóm; và đặc biệt, thiết kế khung pháp lý riêng cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, quốc phòng, an sinh xã hội.
“Để Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ cần sự chặt chẽ trong kiểm soát mà còn phải linh hoạt, phân hóa để phù hợp với thực tiễn đa dạng của DNNN. Chỉ khi đó, khu vực doanh nghiệp này mới có thể phát huy đúng vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó”, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh.