Mặc dù để thua Xây lắp Dầu khí (XLDK) Thái Bình Dương nhưng đội Cao Su Phú Riềng (CSPR) cũng không tỏ ra buồn bã, vừa được thăng hạng sau khi bị tụt hạng mùa giải VĐQG năm 2010, vừa có được giải nhì quả là điều may mắn với CSPR, còn XLDK Thái Bình Dương đã trả được “món nợ” thua CSPR ở vòng đấu bảng.
Những pha bóng quyết liệt trong trận chung kết
Trận bán kết thắng Dakruco 3-1 ngày 23/9 là trận quyết định XLDK Thái Bình Dương giành 1 vé lên thi đấu giải VĐQG mùa bóng 2012. Điều này đã giải tỏa tâm lý hoàn toàn để toàn đội chơi hết mình khi gặp CSPR tranh ngôi vị nhất nhì trận chung kết.
Ngược lại với Tân Bình là ngày buồn khi giấc mơ trở lại giải VĐQG 2012 đã vuột khỏi tay, nhường suất cho CSPR, đành phải ngậm ngùi xuống tranh 3,4 với Dakruco Daklak. Cả Tân Bình và CSPR là 2 đội rớt hạng tại giải VĐQG 2010, nhưng may mắn đã không mỉm cười với Tân Bình.
XLDK Thái Bình Dương giành cúp vô địch
Mục tiêu thăng hạng của thầy trò HLV Trần Minh Khang đặt ra đã thành hiện thực, cả thầy trò đều rất vui mừng khi công sức cả năm tập luyện gian khổ được đền đáp. Suýt nữa XLDK Thái Bình Dương đã làm được điều mà đội giành chiến thắng ở vòng Bán kết Quảng Bình: 8/8 trận thắng nếu như không để thua CSPR 1 trận tại vòng bảng chung kết ở Hà Tĩnh (thắng 5/6 trận).
Điểm lại mùa bóng chuyền A1, bắt đầu khởi tranh vòng Bán kết tại Quảng Bình (26/5 – 5/6/2011), có 9 đội nữ tham gia, 5 đội giành quyền vào thi đấu chung kết là XLDK Thái Bình Dương, Tân Bình, Dakruco, Cao su Phú Riềng, Vĩnh Phúc. Bốn đội phải chia tay sớm là Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hưng Yên. Tại vòng bán kết này XLDK Thái Bình Dương tỏ rõ sức mạnh khi thắng tuyệt đối 8/8 trận, giành ngôi đầu bảng.
Tại giải bóng chuyền Nam, nữ các đội mạnh khu vực phía Nam – Bến Tre 2011 (3-9/8/2011) có 5 đội tham gia là XLDK Thái Bình Dương; Tân Bình, Trẻ Vĩnh Long, Cao su Phú Riềng, Quảng Ninh. Kết thúc giải XLDK Thái Bình Dương thắng giòn giã 4/4 trận, giành cúp vô địch, Cao su Phú Riềng về nhì.
Những cô gái của đội XLDK Thái Bình Dương
Nhìn vào tổng quan, có thể thấy đội nào đầu tư tốt sẽ có sức mạnh hơn, cả 3 đội nhất – nhì – ba là XLDK Thái Bình Dương, CSPR, Tân Bình đều không ngại chi đậm để kéo các ngoại binh tham gia. XLDK Thái Bình Dương có Jutarat Montripila, Karina (Thái Lan); Tân Bình có Emorn Phanusit (Thái Lan); CSPR có L.M.Rong (Trung Quốc). Tuy nhiên không phải ngoại binh đều chơi tốt, trong khi Jutarat và Phanusit chơi hay ở nhiều vị trí thì L.M.Rong chơi khá bình thường, do vậy mà vài trận cuối khán giả thấy cô ngồi ở ghế dự bị để cho số 10 (Tuyết) vào thay thế vị trí chủ công.
Mùa bóng chuyền A1 đã khép lại, 2 đội nữ XLDK Thái Bình Dương; CSPR, 2 đội nam Maseco và Đức Long Gia Lai dắt tay nhau lên hạng, trong khi giải VĐQG 2011 đang quyết liệt để tìm ra 4 đội xuống hạng. Đội được lên, phải có đội bị xuống, đó chính là yếu tố cạnh tranh đầy kịch tính của thể thao đỉnh cao.
Để tiếp tục trụ hạng và tỏa sáng tại giải VĐQG 2012, XLDK Thái Bình Dương nói riêng và các đội khác cần bổ sung lực lượng, trẻ hóa đội hình thi đấu, đào tạo nhiều lớp vận động viên trẻ kế cận, có như vậy các cuộc đấu mới đầy hấp dẫn để kéo người hâm mộ đến xem.