Tin Tập đoàn

Tọa đàm “Làm thế nào để viết Hay và Đúng về ngành Dầu khí”: Nhiều bài học quý cho phóng viên trẻ

Kỷ niệm lần thứ 87 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 12/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với Báo Năng lượng Mới tổ chức tọa đàm: “Làm thế nào để viết Hay và Đúng về ngành Dầu khí”.

 

Buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà văn, nhà báo

Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo các nhà báo, phóng viên; các cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác truyền thông tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Đặc biệt có sự tham gia của các nhà văn, nhà báo đã có nhiều bài viết về dầu khí: Tạ Duy Anh, Xuân Ba, Xuân Thùy, Đức Toàn, Trần Đình Thảo, Nguyễn Như Phong.

Đồng chí Trần Quang Dũng và nhà báo Nguyễn Như Phong cùng chủ trì buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết: Ngành Dầu khí Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, giữ vai trò trụ cột của nước nhà, tích cực và chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảm bảo các chương trình an ninh năng lượng, an ninh lương thực để giữ ổn định kinh tế xã hội.

Trong những thành công của ngành Dầu khí hôm nay, không thể không kể đến những cống hiến vô cùng to lớn của nhưng thế hệ người lao động Dầu khí. Chính họ đã tìm ra ngọn lửa thắp sáng nên ngọn lửa Petrovietnam mà ngày nay đã trở thành một thương hiệu mang tầm quốc tế.

Lao động trong một ngành công nghiệp mang đặc thù như ngành Dầu khí, công việc của những người làm dầu khí cũng có nhiều đặc thù, hết sức vất vả, gian lao và không thiếu những khó khăn, nguy hiểm rình rập. Cùng với sự phát triển của ngành, bóng dáng người Dầu khí đã hiện hữu khắp nơi, từ những công trường ở các thành phố lớn cho đến những nơi rừng sâu, núi thẳm, biển đảo xa xôi, nơi chỉ có nước và trời, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, trên biển cát sa mạc Sahara nóng bỏng hay vùng biển Nam Mỹ xa xôi đầy bão tố. Từ những nơi bình yên cho đên những nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp… Ở những nơi đó, hàng vạn người lao động Dầu khí đã và đang ngày đêm miệt mài lao động, miệt mài sáng tạo và lặng lẽ cống hiến cho đất nước. Ấy vậy mà đã có một thời gian dài công việc của những người lao động dầu khí và nhịp sống của một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước chưa được phản ánh sinh động, đa dạng, có chiều sâu và chưa điển hình trong các sáng tác văn học.

Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn nhấn mạnh: Thời gian gần đây, việc tuyên truyền về ngành đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt nhiều quan tâm. 5 năm trở lại đây, Tập đoàn đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và cơ quan chức năng tổ chức, tạo điều kiện cho nhiều văn nghệ sỹ, nhà văn, nhà báo đi thực tế tại nhiều công trình trọng điểm và dự án của ngành cả trong và ngoài nước. Nhờ đó đã có thêm nhiều tác phẩm phản ánh được phần nào những tấm gương lao động quên mình cũng như thực tiễn lao động tại các công trình Dầu khí.

Từ đầu năm 2011, với sự ra đời của báo Năng lượng Mới và trang tin điện tử Petrotimes, công tác thông tin về ngành Dầu khí đã được đẩy lên một tầm vóc mới, không chỉ về chiều rộng mà còn về chiều sâu và đặc biệt còn được đánh dấu băng sự thành công của cuộc thi “Tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí”. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng: số lượng các tác phẩm tham dự tuy nhiều nhưng còn ít những tác phẩm thực sự khắc họa chân thực, sinh động về con người cũng như công việc của ngành Dầu khí. Những công trình trọng điểm Dầu khí cũng chưa được phản ánh sinh động và có sức thuyết phục trong các trang viết.

Vậy tại sao lại có thực trạng đó? Phải chăng đội ngũ nhà báo viết về ngành Dầu khí chưa thực sự lăn xả vào đời sống người lao động Dầu khí để nắm bắt được nhịp sống, hơi thở của ngành.

Từ thực tế đó, Ban Tuyên giáo Đảng ủy và Báo Năng lượng Mới tổ chức buổi tọa đàm này với mong muốn các nhà văn, nhà báo, các anh chị em phóng viên có mặt trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng ta hãy cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình viết về ngành Dầu khí.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Năng lượng Mới chia sẻ: Là cơ quan ngôn luận của ngành Dầu khí, đội ngũ phóng viên của báo Năng lượng Mới luôn trăn trở, làm thế nào để viết hay và đúng về ngành Dầu khí, tuy nhiên những tác phẩm vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mong rằng các nhà văn, nhà báo đã nhiều năm theo sát nhịp thở của ngành, có nhiều tác phẩm báo chí về ngành chia sẻ những kinh nghiểm khi tìm hiểu thông tin và viết bài về ngành Dầu khí.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Là người có nhiều tác phẩn báo chí viết về ngành Dầu khí, đặc biệt là thể loại ký chân dung, nhà văn Tạ Duy Anh, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn chia sẻ: Thú thật khi mới mới tiếp xúc, tôi cũng thấy ngành Dầu khí là mảng đề tài rất khó, trong khi đó dư luận lại có một số thông tin làm nhiễu loạn đại loại như: “làm Dầu khí là nghề hái ra tiền hay chỉ việc hút dầu lên bán lấy tiền chia nhau”… Thế nhưng khi bắt tay vào tìm hiểu nghiên cứu tư liệu lịch sử, đi và cảm về những nhân chứng sống – những người thuộc thế hệ tiền bối của ngành, tôi với nhân ra ngành Dầu khí là mảng hiện thực rộng và nhiều bí ẩn. Để có được ngành Dầu khí lớn mạnh như hôm nay, đã có những thế hệ người lao động Dầu khí phải mày mò vừa làm vừa nghiên cứu học hỏi với những phương tiện hết sức thô sơ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt đói rét mưa bom… Thậm chí nhiều người đã phải hy sinh cả sinh mạng của mình.., Một số các bậc tiền bối của ngành có cuộc sống rất đạm bạc, trái hẳn với những lời đồn thổi. Càng đọc, càng tìm hiểu càng thấy mênh mông bí ẩn và đầy sức hấp dẫn.

Nhà văn Tạ Duy Anh đúc kết, muốn viết hay và đúng về ngành Dầu khí phải đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ tư liệu từ nghiều nguồn, nếu làm được điều này, những người làm báo trẻ sẽ có những tác phẩm mà ông và thế hệ cầm bút như ông đã không còn cơ hội.

Nhà báo Trần Đình Thảo

Đồng tình với nhà văn Tạ Duy Anh, nhà báo Trần Đình Thảo, Nguyên Phó Tổng biên tập báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn nội dung Báo Năng lượng Mới chia sẻ: là người đã có ngót 50 năm làm báo, nhưng khi tham gia trực tiếp vào công tác xử lý tin bài viết về ngành Dầu khí, tôi cũng thấy rất khó để có thể viết hay và đúng. Tôi thường động viên các bạn phóng viên trẻ ở báoNăng lượng Mới là phải biết tự hào về Ngành mà mình làm công tác tuyên truyền – một ngành kinh tế đóng góp tới 30 % ngân sách Nhà nước. Có tự hào, có gắn bó, có hiểu sâu sắc về ngành thì mới viết hay về ngành được. Một yếu tố quan trọng hàng đầu để có bài báo hay đó là tính phát hiện mà cái này thì không ai dạy ai được. Tính phát hiện hay còn gọi là “nhãn quan nhà báo” chỉ có được từ quá trình trải nghiệm lâu dài, lăn lộn với chính “mảnh đất của mình” mà có. Nhà báo Trần Đình Thảo cho rằng, để viết hay và đúng về ngành Dầu khí, ngay từ phía các doanh nghiệp phải “chiếm lấy diễn đàn” chủ động cung cấp thông tin cho báo chí…

Nhà báo Xuân Thùy

Nhà báo Xuân Thùy (báo Nhân Dân) chia sẻ, muốn có tác phẩm hay phải thực sự yêu nghề, phải biết đổ mồ hôi, biết trăn trở với từng con chữ… nếu cứ hời hợt “cưỡi ngựa xem hoa” theo kiểu “quan báo” thì rất khó có tác phẩm hay. Ngoài ra ở đây cũng cần phải làm rõ hơn khái niệm “viết đúng” về ngành Dầu khí. Thật khó để trong thời gian gắn chúng ta có thể làm vỡ vạc được vấn đề.

Là người nhiều năm theo dõi và viết về ngành Dầu khí, nhà báo Trần Thị Sánh (báo Đất Việt) cho rằng, muốn viết hay về ngành Dầu khí trước tiên cần có “một tấm lòng với ngành Dầu khí”, phải hiểu sâu sắc về ngành từ đó phát hiện những cái mới, những cái độc đáo mang tính đặc thù của ngành. Theo nhà báo Trần Thị Sánh, ngành Dầu khí những năm qua đã làm được rất nhiều điều xứng đáng được tôn vinh, đặc biệt là trong lĩnh vực lọc hóa dâu, công nghiệp điện, lĩnh vực cơ khí chuyên ngành. Rất nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường đã vươn lên làm chủ hoàn toàn công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hết sức mới mẻ đó là lĩnh vực Khí – Điện – Đạm.

Buổi tọa đàm cũng được lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các cán bộ làm công tác truyền thông tại các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí ViệtNam. Các ý kiến xoay quanh vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị là sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên có một số e ngại là đôi khi có một số phóng viên liên hệ với doanh nghiệp không phải để viết bài mà để mới đăng quảng cáo. Vô hình chung đã chở thành rào cản cho quá trình tiếp cận thông tin của các nhà báo chân chính.

Một cán bộ truyền thông còn cho rằng, các nhà báo chưa thực sự cầu thị đối với doanh nghiệp. Nhiều khi quan hệ công chúng không đơn thuần là quan hệ hành chính theo kiểu công văn giấy tờ, vấn đề tiếp cận không nên lúc nào cũng phải nhắm vào những vấn đề mang tính chất đao to búa lớn mà hãy đi vào những vấn đề đơn giản mang tính đời sống cao. Vị này còn chia sẻ “Muốn viết hay về doanh nghiệp trước tiên nhà báo hãy là bạn tốt của doanh nghiệp”.

Nhà báo Đức Toàn

Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Đức Toàn (báo Quân đội Nhân dân) chia sẻ: Đúng là để tìm hiểu thông tin không thể chỉ một cú điện thoại, một giấy giới thiệu. Mỗi một ngành nghề đều có một “rào chắn” về cung cấp thông tin. Muốn có được thông tin hay, ngoài quan hệ hành chính đòi hỏi nhà báo phải có mối quan hệ riêng. Một vấn đề nữa, như các anh cán bộ truyền thông vừa trao đổi đó là việc “phóng viên” đi mời quảng cáo. Đôi khi điều này dẫn đến “tai họa” cho các nhà báo chân chính.

Để có bài báo hay, theo nhà báo Đức Toàn, người viết cần kết hợp nhuần nhuyễn cả hai chất Văn và Báo. Điều này trùng hợp với quan điểm của nhà báo Nguyễn Như Phong, thực tế cho thây đa số những nhà báo viết phóng sự hay đêù là nhà văn hoặc có tham gia sáng tác văn học. Nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng, phóng sự hay đòi hỏi phải có nhiều chi tiết hay, mà muốn có chi tiết hay buộc nhà báo phải lao động, phải sục sạo vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Không thể có tác phẩm hay khi nhà báo tác nghiệp theo kiểu “đi xin lửa” – nghĩa là chạy tới xin thông cáo báo chí rồi về…

Thay mặt ban biên tập và toàn thể đội ngũ phóng viên báo Năng lượng mới, Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể các nhà văn, nhà báo, các cán bộ truyền thông các đơn vị đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những ý kiến trao đổi thẳng thắn, chân thành. “Buôi tọa đàm hôm nay là bài học vô cùng quý giá cho những người làm báo Năng lượng Mới, đặc biệt là những phóng viên trẻ. Sau buổi tọa đàm này, các phóng viên của báo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, thay đổi lề lối, tác phong làm việc nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, nhà báo Nguyễn Như Phong nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quang Dũng khẳng định quan điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn tôn trọng, cầu thị và sẵn sàng cung cấp thông tin cho các nhà báo. Mong rằng, trong thời gian tới, các nhà báo tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, và có nhiều tác phẩm hay và đúng góp phần tuyên truyền và phat huy giá trị của ngành Dầu khí Việt Nam.

Đối với đội ngũ cán bộ truyền thông của ngành Dầu khí, đồng chí Trần Quang Dũng đề nghị sau buổi tọa đàm hôm nay, mọi người cần rút ra những bài học để vận dụng có hiệu quả vào công việc của mình. Các cán bộ làm công tác truyền thông cần có sự nhìn nhận tinh tế, phân biệt giữa người viết báo và người làm dịch vụ báo chí, từ đó có tham mưu chính xác cho lãnh đạo doanh nghiệp. Các đơn vị cần phối hợp, chia sẻ thông tin lẫn nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp hoàn thành 3 mục tiêu: tuyên truyền chủ trương chính sách của Tập đoàn đến với người lao động; động viên, nêu gương kịp thời những gương lao động giỏi và tạo được sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội.

Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan