Bối cảnh kinh tế – chính trị thế giới
Nếu 6 tháng đầu năm 2011, kinh tế thế giới nói chung và thị trường năng lượng nói riêng bị tác động mạnh bởi tình hình bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và thảm họa kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản thì 3 tháng quý III/2011, kinh tế toàn cầu lại rơi vào nỗi lo phải đối diện với cuộc suy thoái – khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới.
Tiêu điểm của cuộc khủng hoảng là sự kiện ngày 2/8, Quốc hội Mỹ buộc phải nâng mức trần nợ công nhằm tránh xảy ra vỡ nợ tại cường quốc số 1 về kinh tế này. Tiếp đó, tình trạng khủng hoảng tài chính đang diễn ra trầm trọng tại một số các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu. Hi Lạp phải nhờ đến gói cứu trợ 157 tỉ USD của cộng đồng châu Âu để tránh phá sản. Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đã bị các tổ chức đánh giá hạ bậc hạng mức tín nhiệm do nợ công tăng cao.
Lạm phát gia tăng trên khắp toàn cầu, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ… và cả Việt Nam. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu được cho là yếu đi so với dự kiến và so với 6 tháng đầu năm. Những yếu tố bất ổn này khiến cho giá các mặt hàng sản phẩm năng lượng, đặc biệt dầu thô biến động thất thường trong các tháng quý III/2011.
Diễn biến giá dầu thô
Bảng: Diễn biến giá dầu và sản phẩm xăng, dầu (FOB Singapore) năm 2011
Đơn vị: USD/thùng
Những thông tin liên tiếp về khủng hoảng nợ tại Mỹ và khu vực châu Âu khiến giá dầu tháng giảm vào 2 tuần cuối tháng 9. Tuy nhiên giá dầu thô trung bình tháng 9 vẫn cao hơn so với tháng 8 do 2 tuần đầu tháng 8, giá dầu lao dốc mạnh để phản ứng với thông tin Mỹ bị Tổ chức xếp hạng Standard & Poors hạ mức tín nhiệm. Mức chênh lệch giá trung bình giữa tháng 9 và tháng 8 ở khoảng từ 1-4 USD/thùng trong đó dầu WTI có mức biến động ít nhất, chỉ tăng 1 USD/thùng so với giá tháng 8.
Giá dầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được hỗ trợ ở mức giá cao do nguồn cung căng thẳng. Ngoài ra, nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu khu vực Đông Á (chủ yếu là Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc) tăng cao để dự trữ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Giá dầu thô Brent, WTI, Bạch Hổ các loại trung bình 9 tháng đầu năm 2011 đạt lần lượt 114, 94 và 119 USD/thùng, tăng trung bình 40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng dầu WTI chỉ tăng 16% do năm nay dầu WTI có những thời điểm biến động ngược chiều với đa số các loại dầu định chuẩn khác.
9 tháng qua, do hưởng lợi từ giá dầu khu vực tăng cao, doanh thu bán dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt gần 9 tỉ USD.
Sản phẩm xăng dầu
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá dầu thô, giá sản phẩm xăng, dầu thế giới 9 tháng biến động phức tạp. Từ đầu năm 2011, giá xăng (A95), dầu Diesel (FOB Singapore) dao động quanh mức lần lượt là 117 USD/thùng, cao hơn 27,17% so với năm 2010 (đạt 92 USD/thùng) và 126 USD/thùng, cao hơn 31,25 % so với năm 2010 (đạt 96 USD/thùng).
Đầu tháng 9, NMLD Dung Quất đã hoạt động bình thường trở lại sau gần 2 tháng dừng bảo dưỡng định kỳ. 9 tháng đầu năm, NMLD Dung Quất đã cung cấp cho thị trường trong nước gần 3,5 triệu tấn.
Phân đạm (Urê)
Giá Urê thế giới trong 9 tháng đạt mức cao kỉ lục trong gần 3 năm trở lại đây, vượt mức 500 USD/tấn tại các thị trường xuất khẩu lớn. Việc tăng giá được xác định là do nhu cầu tăng cao tại các nước nhập khẩu trong khi nguồn cung tương đối hạn hẹp.
Thị trường Urê trong nước do tác động bởi giá Urê thế giới nên có xu hướng tăng, tuy nhiên mức tăng chậm và luôn thấp hơn giá thế giới. Tại một số thời điểm khi giá thế giới tăng, giá bán Urê sản xuất trong nước thấp hơn 1.000 -2.000 đồng/kg so với giá Urê nhập khẩu.
9 tháng, cả nước tiêu thụ được khoảng 1.300 nghìn tấn Urê trong đó Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cung cấp khoảng 800 nghìn tấn (bao gồm cả hàng tự sản xuất và nhập khẩu). Để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường 3 tháng cuối năm và gối vụ sang năm sau, ước tính nhu cầu Urê trong nước khoảng 500 nghìn tấn, vì vậy, ngoài việc sản xuất tối đa công suất, các nhà nhập khẩu cần nhập thêm khoảng 100 nghìn tấn Urê.
LPG
Giá LPG định hạn thế giới (giá CP Aramco Saudi) năm 2011 dự kiến tăng khoảng 21% so với giá năm 2010, đạt trung bình khoảng 865 USD/tấn. Lý do khiến giá LPG những tháng qua tăng ở mức cao là do ảnh hưởng từ khủng hoảng về chính trị lan rộng tại khu vực Bắc Phi, Trung Đông & thiên tai, lũ lụt trên thế giới khiến nguồn cung LPG giảm sút.
Giá bán lẻ LPG trong nước 9 tháng đầu năm thường xuyên duy trì ở mức 27.000 – 33.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ cao nhất năm 2010 chỉ đạt khoảng 28.000 đồng/kg.
Trong năm 2011, dự kiến nguồn cung LPG nội địa cung cấp cho thị trường khoảng 550.000 tấn, đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu của thị trường, 56% nhu cầu còn lại của thị trường dựa vào nguồn LPG nhập khẩu. Theo đánh giá, nhu cầu LPG năm 2011 tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 1.257.000 tấn, tăng trưởng khoảng 6,8% so với tổng nhu cầu tiêu thụ năm 2010 là 1.174.000 tấn.
Đảm bảo nguồn hàng 3 tháng cuối năm 2011
Trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, LPG, Urê… từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ có những biến động. Vì vậy, đảm bảo bình ổn về giá và nguồn cung sản phẩm cho thị trường nhằm kiềm chế lạm phát là một trong các nhiệm vụ được Chính phủ đặt lên hàng đầu.
Là đơn vị tham gia sản xuất và phân phối các mặt hàng thiết yếu trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cam kết thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bình ổn thị trường, đặc biệt đảm bảo lượng cung hàng. Theo đó, PVN quyết tâm vận hành tốt NMLD Dung Quất để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra; tiếp tục duy trì tối đa công suất sản xuất các mặt hàng LPG và Urê đồng thời cân đối, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt nhất nguồn cung cho thị trường.
Theo petrotimes.vn