Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm qua luôn hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng cao. Năm 2011, tổng doanh thu đạt 675,3 nghìn tỉ đồng, tăng 41,2% so với năm 2010. Nộp NSNN đạt 160,8 nghìn tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2010.
PVN luôn là đơn vị nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và ở nhóm dẫn đầu khối các doanh nghiệp với tỷ trọng nộp từ 25% – 30% tổng thu ngân sách hàng năm. Đóng góp của PVN vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế nước nhà đã được khẳng định.
Theo quy định tại Điều 18, Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì tiền lãi dầu khí thu được từ Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm được nộp 50% vào NSNN; 50% còn lại được nộp tập trung về Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điều 19 của Nghị định cũng quy định số tiền 50% nộp về Tập đoàn nhằm mục đích để đầu tư vào các dự án trọng điểm về dầu khí. Từ đó đến nay, Tập đoàn đã thực hiện nộp NSNN và giữ lại theo đúng các quy định trên. Hằng năm, số liệu về nộp và để lại tiền lãi dầu khí đều đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận.
Nghị định số 142/2007/NĐ-CP cho phép để lại cho PVN tiền lãi dầu khí là 50% thực tế phát sinh (là quy định số tương đối). Thực tế, khi thực hiện kế hoạch NSNN hàng năm, dự toán NSNN về lãi dầu khí được xây dựng theo kế hoạch sản lượng khai thác, giá dầu kế hoạch và tỉ giá dự kiến (tính toán ở mức độ thận trọng); và cơ quan Nhà nước phê duyệt cho PVN dự toán chi NSNN từ lãi dầu khí để lại là số cụ thể (là số tuyệt đối và được tính theo giá dầu kế hoạch). Thực tế những năm qua, giá dầu thế giới và tỉ giá giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ luôn biến động mạnh và là những nguyên nhân chính làm phát sinh khoản chênh lệch giữa số tiền lãi được để lại cho PVN sử dụng và dự toán NSNN giao cho PVN (như năm 2008, giá dầu kế hoạch là 64 USD/thùng, thực tế lên đến mức cao nhất là trên 140 USD/thùng và trung bình đạt 102 USD/thùng). Đối với vấn đề tồn tại và việc thu/sử dụng lãi dầu khí nước chủ nhà, PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành đang nghiên cứu để đưa vào quy định tại sửa đổi Nghị định số 142/2007/NĐ-CP.
Vì vậy, không có việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “quên” nộp 19.000 tỷ đồng như Báo Tuổi Trẻ đã nêu.
Theo petrotimes.vn