Bước tiến khả quan
Trong nửa đầu năm 2016, với vai trò đơn vị chủ lực trong xây dựng các công trình dầu khí và xây dựng công nghiệp kỹ thuật cao, PVC đã hoàn thành bàn giao một số công trình trọng điểm như san lấp và xử lý nền Nhà máy Xử lý khí (GPP) Cà Mau, gói thầu Building 3B tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Âu tàu Rạch Chanh và Trung tâm điều khiển Âu tàu cho chủ đầu tư. Đồng thời thực hiện khởi công gói thầu thi công các hạng mục xây dựng NMNĐ Sông Hậu 1, Dự án Viện Dầu khí phía Nam - Giai đoạn 2.
NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm tổng thầu EPC |
Toàn tổ hợp PVC đã phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm nguồn việc mới. Tuy nhiên, giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu của toàn tổ hợp chủ yếu tập trung tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và một số đơn vị thành viên nòng cốt của Tổng Công ty như: PVC - Đông Đô, PVC-PT (Công ty CP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí). Hai đơn vị chủ lực là PVC-IC (Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí), PVC-MS (Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí) bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc dừng giãn tiến độ các dự án xây dựng, lắp đặt giàn khoan nên chỉ đạt hơn 80% kế hoạch doanh thu.
Các đơn vị còn lại đều chưa hoàn thành kế hoạch đã được tổng công ty phê duyệt, nhưng hầu hết đều có mức độ tăng trưởng khá cao so với năm 2015. Đơn cử như PVC-PT có mức tăng trưởng đạt 2,6 lần hay PVC - Đông Đô có mức tăng trưởng kỷ lục gấp 4 lần so với năm ngoái. Thực tế là các đơn vị thành viên của PVC đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, một số đơn vị năm ngoái còn có mức độ tăng trưởng âm do thiếu nguồn việc. Chính vì vậy, xét trên khía cạnh tổng thể đây cũng được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với các đơn vị thành viên của PVC khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên, một số dự án có dấu hiệu khởi sắc.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Mẹ PVC và các đơn vị đã nỗ lực trong công tác tìm kiếm, tiếp thị, tham gia đấu thầu các công trình, dự án mà PVC có thế mạnh. Chính vì vậy, thời gian qua, toàn tổ hợp đã ký kết được 8 hợp đồng với các chủ đầu tư, tổng thầu với tổng giá trị các gói thầu lên đến hơn 3.425 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Mẹ PVC ký kết hợp đồng thi công các hạng mục xây dựng tại NMNĐ Long Hậu 1 với giá trị hơn 2.555 tỉ đồng, các công ty con như PVC-MS ký kết 4 hợp đồng có giá trị gần 600 tỉ đồng, PVC-Mekong ký kết 2 hợp đồng có giá trị gần 272 tỉ đồng. Đây là công tác đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp xây dựng lớn, đảm bảo nguồn việc, công ăn việc làm ổn định, lâu dài và liên tục cho hàng ngàn CBCNV.
Thách thức từ nội tại
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của PVC, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kiên trì của ban lãnh đạo, tập thể CBCNV, người lao động PVC trong 6 tháng đầu năm 2016 khi hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh do Tập đoàn đề ra.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh: Để vượt qua những khó khăn hiện nay của PVC cần phải quyết liệt thực hiện công tác tái cơ cấu theo hướng tinh gọn và chất lượng, cần thoái vốn hết tại các công ty không đem lại lợi ích, thậm chí phải chấp nhận lỗ; thực hiện hiệu quả công tác thu hồi công nợ; đẩy mạnh, nâng cao năng lực maketting, tiếp thị đấu thầu tại các dự án, công trình; đảm bảo tiến độ tại các dự án trọng điểm… Tập đoàn sẽ rà soát, xem xét, sớm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho PVC trên mọi mặt nhằm sớm đưa PVC vượt qua khó khăn, mạnh mẽ hơn, có sức cạnh tranh cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều khó khăn.
Là một đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu, nói không ngoa rằng PVC thực sự mới trải qua cơn bạo bệnh và bắt đầu hồi tỉnh trong 2 năm qua. Chính vì vậy, ngoài những nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận PVC đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần nỗ lực giải quyết ngay trong nội bộ tổng công ty.
Đầu tiên phải kể đến là việc hạn chế đến từ nguồn lực con người. Việc PVC “thay máu” gần như toàn bộ bộ máy lãnh đạo trong khi vẫn phải đảm nhiệm phần việc quan trọng của một số công trình trọng điểm quốc gia như NMNĐ Thái Bình 2, NMNĐ Long Hậu 1, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Với hơn 33 doanh nghiệp đang có vốn của PVC, việc xác định nguyên nhân đơn vị làm ăn thua lỗ, đánh giá được trình độ, khả năng và hiệu quả điều hành của người đại diện đến đâu là việc làm hết sức quan trọng. Từ đó, tổng công ty có những quyết sách cụ thể như rút vốn đầu tư, luân chuyển sắp xếp công việc khác cho người đại diện khi đơn vị thua lỗ 2-3 năm, liên tục mất vốn chủ sở hữu…
Nhân nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua, Chủ tịch HĐQT PVC Bùi Ngọc Thắng đã thẳng thắn nhìn nhận những nhóm vấn đề mà PVC còn đang tồn tại, xác định mục tiêu của PVC như đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm; đẩy mạnh công tác tiếp thị đấu thầu; tái cấu trúc bộ máy điều hành Tổng công ty, các đơn vị thành viên; khẩn trương việc thoái vốn tại các đơn vị; đẩy mạnh kiểm soát chi phí, hiệu quả, đánh giá thận trọng tại các dự án; nâng cao trách nhiệm của người đại diện phần vốn của tổng công ty tại các đơn vị…
Lãnh đạo PVC hiểu rằng, chỉ khi nào từng CBCNV PVC thấm thía những thách thức từ chính nội tại của tổng công ty, xác định nhiệm vụ sống còn là phải vượt qua chính mình thì PVC mới thực sự trở lại con đường cao tốc, mới thực sự có thể phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất kinh doanh PVC đạt hơn 7.260 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu của toàn tổ hợp khoảng 5.153,6 tỉ đồng, đạt 156% kế hoạch, đem về lợi nhuận (trước thuế) khoảng 59,4 tỉ đồng, vượt 59% kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động lên mức 10,1 triệu đồng/người/tháng. |