Năm 2011 là năm tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, lạm phát trong nước tăng cao, thị trường tài chính tiền tệ, giá cả vật tư, nguyên vật liệu cũng như nhân công trong nước có nhiều biến động. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ đến Việt Nam và các doanh nghiệp xây dựng là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. PVC cũng không nằm ngoài vòng xoáy khốc liệt ấy.
Mặc dù tập thể lãnh đạo và CBCNV người lao động của PVC đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn và tận dụng những lợi thế sẵn có, quyết tâm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2011, nhưng kết quả thực hiện đạt được chưa cao, cụ thể: Giá trị sản lượng đạt 12.669,66 tỷ đồng, tổng doanh thu là 9.671,07 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 379,47 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 594,66 tỷ đồng.
PVC đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ thi công các dự án, công trình. Hầu hết các công trình đều thi công đạt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu. Trong năm 2011, PVC đã thực hiện khởi công nhiều công trình mới như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Tòa nhà trụ sở Agribank – Hoàng Quốc Việt, Chế tạo chân đế giàn khoan RC6 và RC7 mỏ Nam Rồng – Đồi Mồi, thi công khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 mỏ Tê Giác Trắng,…
PVC cũng đã hoàn thành và bàn giao nhiều công trình lớn cho Chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng, điển hình như: Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ, Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2, Nhà máy sản xuất bao bì Dầu khí, Khách sạn Lam Kinh- Thanh Hóa, Khu phức hợp chung cư cao ốc văn phòng số 2 Nguyễn Hữu Cảnh – Vũng Tàu, Nhà máy sản xuất bao bì Bạc Liêu, Cao ốc văn phòng Dragon Tower, Trung tâm Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng,… và một số công trình an sinh xã hội khác. Công tác an toàn – vệ sinh – môi trường luôn được PVC và các đơn vị quan tâm chú trọng.
Thực hiện Chương trình hành động số 1893/Ctr-DKVN ngày 08/3/2011 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 28/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVC đã rà soát lại tình hình đầu tư các dự án, đánh giá nhu cầu và hiệu quả đầu tư và đề xuất điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch đầu tư trực tiếp phù hợp với tình hình thực tế.
Năm 2011, PVC bám sát kế hoạch SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn, chủ động giữ vững thị trường hiện có, tăng cường công tác tiếp thị đấu thầu để mở rộng và phát triển thị trường ra ngoài ngành. Trong năm, toàn Tổng công ty đã ký kết 102 hợp đồng kinh tế với tổng giá trị là: 65.609 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ PVC ký được 08 Hợp đồng kinh tế lớn, tổng giá trị trên 51.778 tỷ đồng và các đơn vị thành viên của PVC ký kết được 94 hợp đồng với giá trị trên 13.830 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVC đã hoàn thành phương án tăng vốn với số vốn điều lệ tăng thêm là 1.500 tỷ đồng; Tổng số vốn điều lệ của PVC tính đến thời điểm hiện tại là 4.000 tỷ đồng.
Trong năm 2011, PVC tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức Công ty Mẹ – Công ty con và hoàn thiện các văn bản quản lý nội bộ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các bộ phận chức năng thuộc Công ty mẹ và các đơn vị thành viên; kiện toàn bộ máy điều hành công ty mẹ, tổ chức lại các Ban chuyên môn, trung tâm, các Ban Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án theo nhu cầu quản lý điều hành sản xuất kinh doanh. PVC đã thực hiện sắp xếp, phân loại và xây dựng nhóm các đơn vị thành viên, đã triển khai thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu ở 13 công ty, thu hồi vốn đầu tư 857,3 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn triển khai các dự án, công trình và thu lợi nhuận 80,7 tỷ đồng.
Căn cứ vào kết quả sản xuất năm 2011, Kế hoạch 5 năm 2011-2015, Tổng công ty PVC đặt ra kế hoạch năm 2012 với giá trị sản lượng là 15.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2011; tổng doanh thu là 12.500 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2011; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 1.258 tỷ đồng; nộp Ngân sách Nhà nước: 636 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức là 10%.
Để thực hiện kế hoạch năm 2012, PVC sẽ tập trung vào một số giải pháp trong từng lĩnh vực công tác như: Công tác tổ chức và quản lý; công tác chỉ đạo, điều hành thi công tại các công trình; công tác đấu thầu và hợp đồng kinh tế; công tác tài chính kế toán, đầu tư tài chính, thu xếp và quản lý vốn; công tác đầu tư; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và công tác chế độ chính sách, an sinh xã hội.
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo PVN, cổ đông lớn nhất của PVC, ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức, PVC dù chưa đạt được các mục tiêu kỳ vọng trong năm 2011, nhưng nếu so sánh với các đơn vị xây lắp khác trong nước thì vẫn là những thành tích đáng tự hào. PVC đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của PVN. Ông cũng đề nghị PVC tiếp tục tái cơ cấu một cách quyết liệt, tập trung vào 5 lĩnh vực SXKD chính của mình, đầu tư mạnh mẽ vào những trang thiết bị chuyên ngành xây lắp hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ và công trình, kiên quyết thoái vốn khỏi những dự án không hiệu quả, tiếp tục nâng cao vị thế, thương hiệu để trở thành doanh nghiệp xây lắp hàng đầu của Việt Nam, phát huy tinh thần và sức mạnh truyền thống của một đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Ông Nguyễn Thanh Liêm cũng khẳng định rằng PVN sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện hỗ trợ mọi mặt để PVC hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. |
Đại hội đã sáng suốt bầu ra Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2012-2017 với số phiếu tập trung cao, hầu hết đều vượt trên 94%. Các ông bà: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Huy Hòa, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Việt Nga đã trúng cử thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới. Các ông bà: Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Thị Thu Hường, Hứa Xuân Nam, Vũ Hữu Nghị, Trần Thị Trang trúng cử thành viên Ban kiểm soát.
|
Tiến Dũng - Petrotime