Vượt qua 15.000 công ty được khảo sát, 200 đại diện từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Forbes vinh danh là các công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á. Nếu như năm ngoái, Việt Nam chỉ có một gương mặt lần đầu tiên lọt vào danh sách thì năm nay có tới 10 công ty.
Hai đại diện lớn nhất trong số 10 công ty trên là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang và Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, với giá trị thị trường lần lượt là 454 và 108 triệu USD, theo tính toán của Forbes.
Hai công ty khác có cùng giá trị thị trường 72 triệu USD là Công ty cổ phần Container Việt Nam và Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PGD).
Sáu cái tên còn lại lần lượt là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình vũ, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An, Tổng Công ty cổ phần Khoáng sản NA RÌ HAMICO, Công ty cổ phần đường Ninh Hòa, Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí. Đây đều là 10 cái tên mới trong danh sách năm nay.
Topside Mộc Tinh lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay do PVC-MS tham gia thi công, chế tạo và lắp đặt
Năm 2010, Việt Nam có đại diện đầu tiên được Forebs lựa chọn vào Top 200 là Vinamilk.
Forbes lựa chọn danh sách dựa trên cả hai tiêu chí doanh thu và tăng trưởng. Để được lọt vào Top 200, các công ty phải có doanh thu hàng năm từ 5 triệu đến một tỷ USD và niêm yết trên thị trường chứng khoán được ít nhất một năm.
Sau đó, Forbes tiếp tục sàng lọc dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trong vòng 3 năm trở lại đây. Một tiêu chí khác cũng rất quan trọng được Forbes đưa ra lựa chọn là khả năng quản lý của các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước những biến động của kinh tế từ năm 2008.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn biển "Công trình chào mừng 50 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam" cho giàn khai thác khí Mộc Tinh- Giàn khai thác lớn nhất Việt Nam do PVC- MS thi công, chế tạo
Sự kiện 10 doanh nghiệp Việt Nam trong đó có PVC- MS lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là niềm tự hào chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả này đã khẳng định các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc để phát triển và hội nhập.
Riêng với PVC- MS, trong 3 năm trở lại đây đã có sự chuyển mình đầy ấn tượng. Từ một doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nhà thầu phụ thực hiện các dịch vụ chuyên ngành xây lắp Dầu khí, đến nay, PVC- MS đã trở thành Tổng thầu với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đội ngũ người lao động chuyên nghiệp, năng động, tốc độ phát triển năm sau luôn gấp đôi năm trước. Năm 2008, PVC- MS thực hiện tổng doanh thu đạt 113 tỷ đồng, lợi nhuận 9,5 tỷ, năm 2010, đơn vị thực hiện đạt tổng doanh thu 489,29 tỷ, tăng 360%, lợi nhuận 117,2 tỷ đồng, tăng 123%. Về quy mô doanh nghiệp cũng phát triển rất mạnh mẽ, từ đơn vị có 680 CBCNV lao động, hạch toán phụ thuộc đến nay, PVC- MS đã có gần 1.600 CBCNV lao động ở 12 phòng, ban và 5 chi nhánh trực thuộc. Thu nhập của người lao động trung bình 9,49 triệu đồng/tháng, tăng 183% so với năm 2008.
Khu phức hợp chung cư cao ốc văn phòng của PVC- MS
Năm 2011, PVC- MS dự kiến thực hiện doanh thu 1.108 tỷ, lợi nhuận 150 tỷ đồng và thu nhập của người lao động đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Với các chỉ tiêu này, PVC- MS sẽ tiếp tục là gương mặt nhiều triển vọng lọt vào danh sách các doanh nghiệp tốt nhất Châu Á Thái Bình Dương năm 2011.