Khai thác dầu khí dự án Nam Côn Sơn Ảnh: T.L. |
Nghị quyết Đại hội Đảng XI đặt ra yêu cầu “tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…”, đây là một yêu cầu tiên quyết, thưa ông?
Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân. Tại Đại hội Đảng XI cũng có phần thảo luận về vấn đề này và thông qua như nội dung trong nghị quyết.
Tuy nhiên, để kinh tế nhà nước, trong đó các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT), doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vai trò, vị trí then chốt, là nền tảng phát triển thì các TĐ, TCT, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa.
“PVN đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, mở rộng quy mô để đóng góp nhiều nhất cho đất nước. PVN cần duy trì nộp ngân sách hàng năm chiếm 30% cả nước. Khẳng định vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội” |
Làm sao chuyên môn hóa, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Có như vậy doanh nghiệp nhà nước sẽ khẳng định được vai trò chủ đạo, thực sự là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Yêu cầu đổi mới, tái cấu trúc được đặt ra mạnh mẽ bởi nội tại các TĐ,TCT, doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khiếm khuyết, thưa ông?
Thực ra, tất cả các doanh nghiệp nói chung, sau một chu kỳ phát triển tự thân phải đổi mới, tái cấu trúc cho phù hợp. Đặc biệt là sau chu kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, yêu cầu đổi mới, tái cấu trúc càng được đặt ra cấp bách để tồn tại. Nhưng, việc đổi mới của doanh nghiệp nhà nước khó khăn hơn. Bởi, hiện nay chúng ta còn lúng túng trong xác định vai trò chủ sở hữu trong doanh nghiệp.
Chính phủ, các Bộ, ngành đang chỉ đạo các TĐ,TCT, doanh nghiệp nhà nước xác định rõ vai trò chủ sở hữu như thế nào. Bản thân các TĐ, TCT cũng phải xác định vai trò người đại diện của nhà nước tại doanh nghiệp để điều hành, quản lý phù hợp.
Mặc dù các TĐ,TCT đang tích cực đổi mới, nhưng so với yêu cầu của Đảng, Chính phủ thì chưa đáp ứng được, chưa phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của mình cũng như cơ hội phát triển mà Chính phủ dành cho.
Ông có cho rằng doanh nghiệp nhà nước đang được nhiều ưu đãi hơn các thành phần khác nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn?
Các doanh nghiệp hiện hoạt động theo luật doanh nghiệp chung, cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài. Luật pháp là bình đẳng. Nhưng doanh nghiệp nhà nước ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh còn được giao những nhiệm vụ đặc biệt khác, nên không thể nói có sự ưu ái hay bất bình đẳng được.
Như PVN, vừa đầu tư sản xuất, kinh doanh, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, yêu cầu đầu tư vùng sâu, xa, vùng xa bờ. Nếu đầu tư vùng gần bờ thì hiệu quả gấp mấy lần bên ngoài. Nhưng để bảo vệ chủ quyền thì phải làm chỗ khó, vùng hải đảo trước, nên hiệu quả thấp. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, có những vị trí như nhau thì doanh nghiệp tư nhân hiệu quả hơn bởi bộ máy gọn nhẹ, cơ chế linh hoạt.
Còn nói đến bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân làm 10 vụ, kém hiệu quả 9 vụ, 1 vụ thắng là có thể bù được. Trong khi, doanh nghiệp nhà nước làm 100 vụ, 99 vụ đúng, 1 vụ sai là hỏng rồi. Như vậy có bình đẳng không? Doanh nghiệp nhà nước không được lấy cái này bù cái kia, mà cái nào sai là bị xử lý ngay.
Ông Đinh La Thăng Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nhưng nếu tách bạch hiệu quả kinh tế và đóng góp xã hội thì cái nhìn về doanh nghiệp nhà nước sẽ khách quan hơn, thưa ông?
Xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và các thành phần kinh tế. Không thể nói anh làm doanh nghiệp nên không làm công tác an sinh xã hội. 4 khoản dành cho an sinh xã hội được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế. Như vậy là giảm lợi nhuận đi, nhà nước mất 25% thuế, 75% còn lại là của doanh nghiệp và người lao động.
Mọi người nghĩ doanh nghiệp nhà nước bỏ tiền ra làm an sinh xã hội là tiền nhà nước, nhưng như tôi nói ở trên thì không phải như vậy. Hôm trước tôi cũng tranh luận với chị Loan (ĐBQH Phạm Thị Loan- PV) về việc này, đầu tư ở địa phương, người ta xin hỗ trợ làm một cái cầu cho dân thì không thể từ chối được.
Trong phát biểu trước QH, Thủ tướng đã nói đến mục tiêu xây dựng những “doanh nghiệp dân tộc”, trong triển khai nghị quyết, PVN có hướng đến điều này?
Đó là việc gắn xây dựng một thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia. Xây dựng PVN gắn với quốc gia Việt Nam chính là doanh nghiệp dân tộc. Nói đến Mỹ người ta nói đến Chevrolet, Microsoft, vậy nói đến Việt Nam người ta nhắc đến doanh nghiệp nào? Cho nên, phải xây dựng được những thương hiệu mạnh của quốc gia, dân tộc.
Năm nay doanh thu của PVN được 30 tỷ USD, so với các tập đoàn khổng lồ của nước ngoài chưa ăn thua gì. Do vậy, muốn hội nhập thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Anh không thể nói tôi nhất Việt Nam rồi, vậy nhất Việt Nam nhưng ra ngoài người ta có thừa nhận không.
Cám ơn ông.
Ngọc Tiến báo Tiền Phong