Ông Hà Duy Dĩnh, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí trao tặng hoa và Bằng khen
cho các đơn vị đoạt giải tại cuộc thi “Tiếng hát những người đi tìm lửa” lần thứ III.
Thứ nhất, Lấy phong trào thi đua làm đòn bẩy đẩy mạnh mọi hoạt động nhất là nhiệm vụ chính trị. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2006, khi Công đoàn Dầu khí nhận nhiệm vụ từ đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng về việc tổ chức phát động phong trào thi đua ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Khi họp BCH để triển khai đã gặp những ý kiến trái chiều Trong Ban Thường vụ có người còn giải thích với tôi rằng, phát động thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) là việc của bên chuyên môn, còn Công đoàn chỉ phát động thi đua về những lĩnh vực như xanh – sạch – đẹp thôi.
Nhưng tôi cùng một số đồng chí trong Ban Thường vụ vẫn triển khai và đặt vấn đề với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) để TLĐ đứng ra phát động thi đua mang tính toàn quốc, mang tính quốc gia. Phát động thi đua đúng vào ngày 17-5-2006, nhân dịp sinh nhật Bác đồng thời cũng là ngày tròn một năm Ban Lãnh đạo Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã ký gói thầu EPC số 1 và số 4 để từ đó ấn định nhà máy sẽ phải hoàn thành sau 44 tháng. Buổi phát động được tổ chức thật hoành tráng, bài bản gây ấn tượng không ngờ. Cũng chính buổi phát động đó Ban Tổ chức đã kêu gọi các nhà thầu thi công đóng góp được 500 triệu để trao cho lãnh đạo địa phương làm công tác an sinh xã hội (ASXH), được lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua mở đầu cho sự đổi mới tư duy về thi đua đã được khởi đầu như thế. Phong trào ban đầu chỉ có chưa đầy mười nhà thầu trong nước tham gia ký kết thi đua, sau đã lan tỏa ra trên mười nhà thầu lớn nhỏ khác của nước ngoài cũng đã xung phong tham gia ký kết thi đua. Chúng tôi đã nghe anh Hayashi, Phó giám đốc dự án của Tổ hợp nhà thầu Technip Nhật Bản phát biểu rằng, sau này về nước tôi sẽ phổ biến, tuyên truyền cho các công ty bên nước tôi về phong trào thi đua của Tập đoàn Dầu khí mà tôi từ chỗ thờ ơ đứng ngoài đến chỗ đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đến thế. Anh John Chirstian, Giám đốc An toàn của Tổ hợp nhà thầu Technip sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh đã về nước công tác được mấy tháng rồi, vậy mà khi Ban QLDA thông báo anh được nhận bằng khen của Tập đoàn Dầu khí trong phong trào thi đua, anh đã bỏ tiền cá nhân mua vé sang Việt Nam để nhận bằng khen; một kỹ sư đường ống người Pháp sau khi nhận được bằng khen của Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã nói với tôi rằng: “Bây giờ tôi lo vé để về nước cưới vợ được rồi, vì tôi có hứa với cô ấy là chỉ khi tôi có được bằng khen của Việt Nam tôi mới về cưới cô ấy”.
Từ phong trào thi đua ở Đại công trường liên kết xây dựng nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của nước ta mà Đảng ủy đã giao cho CĐ DKVN, chúng ta đã có bài học rất có ý nghĩa đó là đã phát động thì phải có trách nhiệm, chứ không phải như trước đây thi đua chỉ là hình thức, chỉ là “nói mà không làm”.
Thứ hai, tổ chức công đoàn các cấp đã quan tâm thực sự đến đời sống vật chất của đội ngũ người lao động. Đã 3 năm trong nhiệm kỳ IV, một hoạt động cũng chưa hề có trong quá khứ, đó là Ban Thường vụ, Thường trực cùng với đội ngũ lãnh đạo các ban, bộ máy chuyên trách đã cùng với Chủ tịch, cán bộ công đoàn các cấp trước, trong và sau tết Nguyên đán mỗi năm đều tổ chức đến những công trình, dự án trọng điểm, những đơn vị gặp nhiều khó khăn, những giàn khoan ngoài biển khơi ở mọi miền của đất nước để trực tiếp cảm ơn đội ngũ người lao động vì những gì họ đã lao động hết mình cho sự phát triển của đơn vị, của Tập đoàn và tích cực xây dựng tổ chức công đoàn; đồng thời CĐ DKVN đã chi mỗi dịp như vậy 2 đến 3 tỉ đồng để mua quà, mừng tuổi cho đội ngũ đoàn viên của mình. Việc làm tuy không có ý nghĩa vật chất nhiều những đã có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Nhiều cán bộ, đoàn viên công đoàn đã thể hiện sự cảm động trước nhữngï quan tâm này của CĐ DKVN và công đoàn đơn vị mình công tác.
Một việc làm nữa cũng chưa từng xảy ra trong những nhiệm trước, đó là Công đoàn đã giành ra vài tỉ mỗi tết để trợ cấp cho những người lao động có mức thu nhập dưới mức quy định của Tập đoàn. Tết Nguyên đán năm 2008 chúng ta đã trợ cấp cho 740 đoàn viên với mức 1 triệu đồng/người và năm 2009 trợ cấp cho gần 1.000 người, năm 2010 trợ cấp ở hai mức, mức 1,5 triệu đồng/người cho trên 800 đoàn viên có thu nhập dưới 2 triệu và mức 1 triệu đồng/người cho gần 500 đoàn viên có thu nhập từ 2 triệu đến dưới 3 triệu đồng.
Thứ ba, lấy ngày thành lập CĐ DKVN 16-12 hằng năm để tiến hành tổng kết công tác công đoàn và tôn vinh những người lao động. Trên thực tế việc tổng kết công tác công đoàn ít khi được tổ chức đúng tầm và thường rất trễ vào cuối quý I của năm liền kề và cũng chỉ tiến hành trong phạm vi BCH mở rộng. Chính vì vậy, BCH khóa IV CĐ DKVN đã quyết tâm tổ chức công tác tổng kết năm vào ngày thành lập của mình. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn từ cơ sở vì năm công tác chưa hết, kết quả SXKD chưa có con số cụ thể, vậy đánh giá thành tích, bình bầu khen thưởng theo đó sẽ gặp khó khăn. Điều đó là sự thật, nhưng trước hết Thường trực và Ban Thường vụ đã lên kế hoạch hành động quyết liệt và đến bây giờ, sau 3 năm đã thành nền nếp và lễ tổng kết được tổ chức trang trọng, đúng tầm. Tôi cho rằng, đây là sự đổi mới quyết liệt và khác biệt so với những khóa trước đây.
Điểm mới thứ 2 rất quan trọng và có ý nghĩa đó là, lần đầu tiên CĐ DKVN đã đưa ra tiêu chí bình xét hằng năm những cán bộ công đoàn tiêu biểu, đoàn viên công đoàn tiêu biểu. Việc bình xét này được đồng chí Đinh La Thăng và các đồng chí trong Đảng ủy rất đồng tình ủng hộ vì người lao động trong ngành rất cần được tôn vinh sau mỗi năm họ đã lập được những thành tựu rất đáng tự hào, vinh quang thuộc về họ. Và lễ tôn vinh 2 danh hiệu tiêu biểu cũng được tổ chức rất trang trọng trong Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập CĐ DKVN. Nhưng bước sang năm thứ 2 tiến hành công tác này, chúng ta nhận thấy nếu chỉ có 2 tiêu chí tiêu biểu như thế thì rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền sẽ bình bầu vào đoàn viên tiêu biểu, như thế sự tôn vinh các đồng chí ấy chưa ngang tầm và những người nước ngoài cũng có nhiều đóng góp cho người lao động chưa được xem là đối tượng tôn vinh. Chính vì vậy, Ban Thường vụ đã bổ sung thêm 2 danh hiệu tôn vinh này, để chúng ta có 4 danh hiệu tôn vinh hằng năm.
Để đánh giá, nhất là ghi nhận những người được tôn vinh CĐ DKVN đã cho in ấn Quyển sách vàng tôn vinh với ảnh màu và sơ yếu lý lịch của từng người. Việc làm này đã được đông đảo cán bộ, quần chúng đánh giá hay.
Thứ tư, nhiệm kỳ IV, công đoàn đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. CĐ DKVN thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn theo các chủ đề khác nhau: Về Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện điều lệ; Về công tác bảo hộ lao động; Về chế độ chính sách mới có liên quan đến người lao động; Về cách thức tiến hành các sự kiện; Tập huấn về công tác nữ công trong tình hình mới, v.v…
Trong suốt 19 năm hình thành và phát triển CĐ DKVN lần đầu tiên đã mở được 2 lớp “đại học phần công đoàn” cho 74 cán bộ công đoàn các cấp, một lớp mở Vũng Tàu và một lớp ở TP Hà Nội. Lớp học bế mạc, toàn thể anh chị em học viên đều đạt loại khá trở lên, trong đó có đến trên 40% đạt loại giỏi được Trường đại học Công đoàn đánh giá rất cao và trao nhiều bằng khen cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập.
Cũng lần đầu tiên để đáp ứng một hoạt động, một thực tiễn rất cần thiết, CĐ DKVN đã mở một lớp MC tại Hà Nội do Trường đại học Sân khấu Điện ảnh đào tạo. Lớp học đã có trên 40 học viên theo học vào các ngày nghỉ cuối tuần. Trong số học viên MC đó có học viên Thu Thủy – cán bộ của Tổng Công ty PVC đã trúng tuyển làm MC trong chương trình “Chào Việt Nam” tại VTV4. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị mở một lớp cho cán bộ khu vực phía Nam tại TP Vũng Tàu tới đây.
Thứ năm, đẩy mạnh Văn hóa Dầu khí nhằm xây dựng nền tảng tinh thần bền vững cho đội ngũ người lao động.
CĐ DKVN không chỉ phát động thi đua ở 10 công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và của ngành mà còn cấp kinh phí cho các hoạt động văn hóa, thể thao, như đã cấp cho Dự án Nhơn Trạch 2 khoảng 400 triệu đồng và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 500 triệu đồng để BQL xây dựng sân bóng đá cấy cỏ nhân tạo; Cấp kinh phí cho nhiều công trình, dự án mua trang thiết bị văn nghệ, thể thao v.v… Tôi cho đây là sự đổi mới phương thức hoạt động thật thiết thực, hướng tới cơ sở bằng những việc làm cụ thể với phương châm kinh phí công đoàn do người lao động đóng góp cần phải được sử dụng để phục vụ người đoàn viên ấy.
Công đoàn ngành đã được Ban Lãnh đạo Tập đoàn giao cho nhiệm vụ khởi động Tuần lễ Văn hóa Dầu khí vào đầu tháng 8 hằng năm. Để làm được việc này, CĐ DKVN đã bỏ nhiều công sức và trí tuệ tổ chức Đại hội TDTT ở các khu vực và Đại hội TDTT chung kết tại Hà Nội vào đúng dịp thành lập ngành (3-9 hằng năm) tạo sân chơi rất bổ ích và hấp dẫn cho đoàn viên của mình tham gia tranh tài, đọ sức rất quyết liệt. Đội ngũ đoàn viên đã rèn luyện tích cực để đợi đến Tuần lễ Văn hóa Dầu khí hằng năm sẽ trổ tài.
Hội diễn “Tiếng hát những người đi tìm lửa” lần thứ III - một trong những hoạt động VHVN
mà Công đoàn Dầu khí đã tổ chức thành công.
Với mục đích tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các công ty thành viên ASCOPE (Hội đồng Dầu khí ASEAN), Công đoàn Dầu khí đã tổ chức đoàn vận động viên tham dự hội thi thể thao giữa các công ty Dầu khí Quốc gia trong khuôn khổ Hội đồng Dầu khí ASEAN lần thứ 24 (ASCOPE Games 24th) diễn ra từ ngày 26/7 – 31/7/2011 tại Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của các đoàn thi đấu đến từ 10 công ty Dầu khí Quốc gia thành viên. Đoàn thể thao Petrovietnam đã tham gia thi đấu ở 4 môn: bóng bàn, cầu lông, tennis và golf. Kết quả, Petrovietnam đã đạt được thành tích cao nhất kể từ khi tham gia ASCOPE Games với giải Nhất ở môn bóng bàn, giải Nhì ở môn cầu lông, giải Tư ở môn tennis và giải Năm ở môn golf. Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức ASCOPE Games 2011 đã trao lại cờ cho Petrovietnam để đăng cai tổ chức Mini ASCOPE Games kỳ tiếp theo.
Thứ sáu, thông qua 2 hội thi “Duyên dáng Dầu khí” chúng ta không chỉ quan tâm đến nữ đoàn viên mà còn mở ra một hoạt động rất mới mẻ nhưng cũng thật hấp dẫn. Vào đầu nhiệm kỳ IV tôi cùng đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng ban Nữ công, nay chị là Ủy viên BCH Công đoàn DKVN và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích lúc đó là Phó chủ tịch (nay chị đã được lãnh đạo tập đoàn điều động làm Phó tổng giám đốc nội chính Tổng Công ty Điện lực Dầu khí VN) đã rất trăn trở muốn tìm được một hoạt động vừa mới mẻ vừa cuốn hút như sự hấp dẫn và cuốn hút của chính chị em vậy.
Và chính từ đó Hội thi lần thứ Nhất với chủ đề: “Phụ nữ Dầu khí Văn hóa và Thời trang” đã được tổ chức. Khi đó chúng tôi rất lo lắng chẳng biết có chị em nào đến thi hay không. Điều không ngờ là có tới gần 90 thí sinh từ hầu hết các đơn vị đến dự thi ở cả hai lứa tuổi dưới 35 và trên 35 tuổi, đặc biệt hơn nữa mặc dù hôm đó là thứ Bảy nhưng mọi người đến xem chật kín hội trường. Khi nhìn thấy lượng khán giả đông như thế tôi rất muốn ra để đưa các anh ấy vào mà cũng chịu không sao ra được, đành cảm ơn các anh chị ấy.
Như vậy, tìm ra được một hoạt động mới đã là khó khăn, nhưng được mọi người ủng hộ, thậm chí còn đam mê lại khó khăn gấp bội. Nhưng BCH CĐ DKVN và tổ chức công đoàn các đơn vị đã làm được việc này. Tôi coi hoạt động này là một sự đổi mới phương thức hoạt động của CĐ DKVN trong khóa IV này.
Thứ bảy, mở rộng quan hệ đối ngoại mở ra những hoạt động mới, đưa thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí và Công đoàn Dầu khí đến với nhiều địa phương trong cả nước và ra nước ngoài. Tôi còn nhớ, ở những nhiệm kỳ trước, công tác đối ngoại chưa được quan tâm đúng mức, một mặt do nhận thức của BCH thời kỳ đó, mặt khác do nhu cầu đối ngoại chưa trở thành vấn đề cần thiết. Nhưng đến nhiệm kỳ IV công tác đối ngoại đã trở thành vấn đề khá quan trọng, không chỉ giải quyết nhu cầu giao lưu học hỏi, mà là cầu nối giữa chuyên môn với nhau. Chính vì vậy CĐ DKVN đã ký kết Quy chế phối hợp với 4 tập đoàn trong Bộ Công Thương, đồng thời cũng đã ký Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, ở những địa bàn đó đều có nhiều đoàn viên Công đoàn Dầu khí đóng quân, đang triển khai nhiều dự án, nhiều công việc đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức công đoàn với nhau.
Đối với Công đoàn Mỏ – Năng lượng – Hóa chất khu vực châu Á và Thái Bình Dương tuy chúng ta chưa gia nhập chính thức (đang tiến hành thủ tục) nhưng đã có một số hoạt động tìm hiểu, thương hiệu của CĐ DKVN theo đó cũng đã được quảng bá ra nhiều nước trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Năm nay là năm thứ 2 được Tổng giám đốc Tập đoàn giao cho CĐ DKVN làm chủ lực đưa các cầu thủ tham gia ASCOPE Games (Hội thao các nước có dầu trong khu vực). Năm ngoái ở Singapore, năm nay sẽ ở Thái Lan. Qua hoạt động thể thao này, CĐ DKVN đã thể hiện được tài tổ chức, tài “cầm quân” đi thi đấu trên trường quốc tế có hiệu quả, thu được nhiều thành tích thi đấu.
Ở mỗi hoạt động đều có những đổi mới về nội dung, hình thức và ngày càng mang tính “chuyên nghiệp” được tuyệt đại đa số đoàn viên công đoàn, người lao động ghi nhận và đánh giá cao, thực sự có sự chuyển biến tích cực, mới mẻ, hấp dẫn, đa dạng trên mọi lĩnh vực công tác.
Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, nhận lời mời của Công đoàn Hóa chất Hàn Quốc – ngành Dầu khí (FKCU), Đoàn đại biểu Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Trong thời gian ở thăm Hàn Quốc, Công đoàn ngành Dầu khí hai nước đã trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn, nhất là trong công tác phát triển đoàn viên và thương lượng thỏa ước lao động tập thể. Hai bên cũng đã thống nhất về chương trình hợp tác giữa Công đoàn Dầu khí hai nước Việt Nam – Hàn Quốc và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tổ chức Công đoàn.
(theo PVN)