Hơn 1 năm trước, từ khi Chính phủ thành lập Trung tâm Điện lực Thái Bình, NMNĐ Thái Bình 2 cũng như bao công trình điện lực khác rơi vào "tâm bão" với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến chi phí xây dựng đội lên, vấn đề thu xếp vốn gặp rất nhiều khó khăn. Những yếu tố khách quan như thời tiết khu vực ven biển Kiến Thụy, Thái Bình luôn có lượng mưa lớn… gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, thi công cũng như đảm bảo chất lượng công trình.
Vượt qua các khó khăn, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 đã hoàn thành giai đoạn 1 với khối lượng công việc rất lớn như giải phóng và san lấp mặt bằng, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và lựa chọn Tổng thầu EPC, ký hợp đồng cung cấp thiết bị chính cho nhà máy kèm theo phương án thu xếp vốn cho dự án. Trong đó quan trọng nhất là thành công ký kết Hợp đồng EPC xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư khoảng 34.295 tỉ đồng (quy đổi khoảng 1,7 tỉ USD) được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký với nhà thầu Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Phạm vi thực hiện hợp đồng bao gồm, thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hóa, thiết bị vật tư, toàn bộ công tác xây lắp, chạy thử, nghiệm thu, đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp vốn…
Lễ ký Hợp đồng cung cấp thiết bị cho nhà máy giữa PVC và Liên danh Sojitz-Daelim (SDC)
Tháng 5/2012, Tổng thầu EPC - Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Liên danh nhà thầu Sojitz-Daelim (SDC) đã ký hợp đồng gói thầu 826 triệu USD. Nội dung của hợp đồng là cung cấp thiết bị chính cho nhà máy bao gồm cung cấp/mua sắm toàn bộ thiết bị khu lò hơi - tuabin/máy phát; thực hiện toàn bộ công tác thiết kế chi tiết cho phần xây dựng, kết cấu, cơ khí, điện và đo lường điều khiển trong phạm vi gói thiết bị chính; thiết kế xây dựng phần móng tuabin/máy phát; cung cấp các hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật đối với công tác lắp đặt thiết bị và chạy thử do PVC và các nhà thầu phụ khác thực hiện.
NMNĐ Thái Bình 2 rất chú trọng đến việc sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhà máy sử dụng công nghệ than phun tiên tiến đạt hiệu suất cao, luôn đảm bảo các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế hiện hành. Hệ thống xử lý khói thải của nhà máy bao gồm 2 bộ lò khử bụi tĩnh điện, 1 bộ lò khử khí SO2, một bộ lò khử NOx, chất lượng khói thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn TCVN 5937-2005. Hệ thống nước thải của nhà máy gồm nước thải công nghệ, nước thải nhiễm dầu, nước thải vệ sinh… được xử lý triệt để theo công nghệ khép kín, đạt yêu cầu theo quy chuẩn QCVN 24:2009/BTNMT.
Nhà máy sử dụng nguồn nhiên liệu than cám được Bộ Công Thương cho phép nhập từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với lượng tiêu thụ gần 3 triệu tấn/năm. Nhiên liệu phụ của nhà máy là dầu FO dùng để khởi động và đốt kèm khí phụ tải lò hơi đạt dưới 60% phụ tải định mức. Lượng dầu FO tiêu thụ khoảng 14.400 tấn/năm. Nguyên liệu phụ giúp nhà máy tiết kiệm chi phí vận hành khi điều kiện phụ tải không cho phép chạy hết công suất. Dự kiến khi nhà máy vận hành vào năm 2015, tổng công suất nguồn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ đạt 9.183MW, chiếm khoảng 22% tổng công suất các nhà máy điện cả nước, cung cấp đến 36,7 tỉ kWh, chiếm khoảng 20-25% thị trường điện năng toàn quốc.
Những việc cần làm ngay
Ông Trần Toàn Thắng, Phó trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cho biết: "Năm 2012 là thời gian bản lề thực hiện dự án, những công tác chuẩn bị quan trọng với khối lượng công việc cần phải triển khai rất lớn như công tác thiết kế chi tiết các hạng mục của dự án, tiến hành đánh giá bản chào của các ngân hàng và ký được văn kiện tín dụng với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho dự án, phối hợp tổng thầu EPC". Ngoài ra, Ban Quản lý còn lựa chọn nhà thầu phụ cho các gói thầu: Hệ thống vận chuyển than, đá vôi; ống khói nhà máy; và các gói thầu khác. Hoàn thiện và phê duyệt tiến độ cấp 2, cấp 3 của toàn bộ dự án đến khi hoàn thành, ổn định, củng cố bộ máy tổ chức, lực lượng lao động nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong tương lai
Để hoàn thành các hạng mục công tác bản lề của dự án, sớm triển khai giai đoạn 2, Ban Quản lý NMNĐ Thái Bình 2 đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm: Đầu tiên phải đẩy nhanh tiến độ công tác thu xếp vốn cho dự án: Ngay sau khi Tổ chức ECA đưa ra các điều kiện cụ thể, Ban QLDA sẽ phối hợp và yêu cầu Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) xác lập và phân định trách nhiệm của mỗi bên liên quan (PVFC, Ban QLDA, PVC) trong việc thực hiện, đáp ứng các yêu cầu và điều kiện của Tổ chức ECA.
Tiếp đến, Ban Quản lý dự án sẽ chủ động làm việc với Tổng thầu PVC, nhà thầu cung cấp Sojitz-Daelim (SDC) để xác định cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên (PVC, SDC) phải thực hiện để thỏa mãn các yêu cầu và điều kiện cho vay vốn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về điều khoản TXV của hợp đồng EPC (trợ giúp và hỗ trợ để chủ đầu tư có thể ký được hợp đồng). Tăng cường quản lý, giám sát và đôn đốc PVC và tư vấn thực hiện các công việc theo yêu cầu tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, là việc nâng cao chất lượng các cuộc họp giao ban hàng tuần/tháng với các nhà thầu để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành dự án. Song song với công tác quản lý là các công tác thi đua khen thưởng, an sinh xã hội như tiếp tục phát động các phong trào thi đua, nâng cao tinh thần làm chủ của cán bộ, nhân viên, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong công việc của cán bộ, nhân viên. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
NMNĐ Thái Bình 2 là dự án quan trọng trong mục tiêu chiến lược phát triển nguồn điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. NMNĐ Thái Bình 2 là dự án nguồn điện cấp bách thuộc tổng quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt. Dự kiến sẽ được hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào Quý III/2015, tổ máy số 2 vào đầu năm 2016. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình, khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thành Công – Đức Chính
(Theo Năng lượng MớI)