Các nhà đầu tư vào dự án gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%), Tổng Công Ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29%) và Công ty LICOGI 16 (22%). Nhà cung cấp công nghệ là Công ty PRAJ INDUSTRIES (Ấn Độ). Nhà tổng thầu EPC là liên danh Công ty TOYO Thái (Thái Lan) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí - PV Engineering (đơn vị thành viên của PVC). Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) là nhà thu xếp vốn. Thời gian xây dựng Nhà máy dự kiến là 21 tháng.
Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế là 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Sản phẩm của Nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước. Hỗn hợp xăng pha ethanol sẽ tăng tính năng hoạt động và tuổi thọ của động cơ, giảm khí thải góp phần cải thiện môi trường đô thị và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các sản phẩm phụ của nhà máy gồm: khí CO2, chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh. Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp. Công ty Messer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU. Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bản của tỉnh.