Tin Tổng công ty

Khởi công Dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu – Hậu Giang

Hôm nay ngày 18/7/2010 tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Lễ khởi công và phát động thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện Lực Sông Hậu giai đoạn I. Trung tâm điện lực Sông Hậu có quy mô công suất dự kiến khoảng 5.200MW – là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam tính đến nay - trong đó dự án đầu tiên là dự án Nhà máy điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Sự kiện này là tiền đề để Petrovietnam tiến tới khởi công xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 vào năm 2011.


Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành Trung ương, Quân khu 9, Lãnh đạo Tỉnh Hậu Giang, Huyện Châu Thành, Xã Phú Hữu A cùng các đồng chí Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ đầu tư, Tổng thầu và Đơn vị Tư vấn thực hiện nghi lễ phát lệnh khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn I sáng 18/7/2010 (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Tham dự lễ khởi công và phát động thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn I sáng 18/7 có Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Ông Vũ Huy Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Sơn Song Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ông Võ Đức Huy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đồng chí Lãnh đạo các Cơ quan, Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương...

Về phía địa phương, Quân khu 9 và các tỉnh ĐBSCL: Trung tướng Trần Phi Hổ - Tư lệnh QK9; Trung tướng Nguyễn Việt Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy QK9; Ông Nguyễn Tấn Quyên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; Ông Nguyễn Phong Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh Hậu Giang; Ông Huỳnh Minh Chắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Ông Lưu Văn Điền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ; ông Lê Nam Giới - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy TP Cần Thơ; Ông Huỳnh Thành Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng; Bà Bùi Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bạc Liêu; Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Cà Mau... và nhiều vị lão thành cách mạng, nguyên là lãnh đạo Tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ qua các thời kỳ, các đại biểu là Lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh Hậu Giang, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo Huyện Châu Thành, Xã Phú Hữu A.

Về phía lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tham dự lễ khởi công và phát động thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu sáng 18/7 có ông Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Hà Duy Dĩnh - Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Hồ Công Kỳ - Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú - Sông Hậu; Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Long Phú - Sông Hậu; Ông Vũ Đức Thuận - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - đơn vị tổng thầu... và các đại biểu Ban Thường vụ Đảng uỷ, Lãnh đạo các Ban, Văn phòng Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.


Các Đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân khu 9, Tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ và Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chứng kiến nghi thức ký kết giao ước thi đua và ký Hợp đồng thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long phú I (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Trung tâm Điện lực Sông Hậu theo quy hoạch được Bộ Công thương phê duyệt với quy mô công suất khoảng 5.200MW (lớn gấp hơn 2 lần công suất thiết kế của Nhà máy Thủy điện Sơn La) bao gồm 3 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than gồm: Nhà máy điện Sông Hậu 1 (2x600 MW), NMĐ Sông Hậu 2 (2x1000 MW), NMĐ Sông Hậu 3 (2x1.000 MW) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác cũng sẽ được xây dựng.

Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 367ha. Theo Qui hoạch điện VI, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 vào năm 2011 và đưa tổ máy thứ nhất phát điện vào cuối năm 2015, tổ máy 2 vào năm 2016. Địa điểm xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 là khu đất bên bờ phải sông Hậu Giang, cách cửa Định An khoảng 66 km về phía thượng lưu, cách Thành phố Cần Thơ 12km về phía hạ lưu.  Dự án Nhà máy điện Sông Hậu 1 nằm trong khu quy hoạch Trung tâm Điện lực Sông Hậu, phía đông bắc giáp sông Hậu, phía tây nam giáp rạch Giáo Hoàng khoảng 400m, phía tây bắc là Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2. Đây là khu vực khá phát triển về mặt công nghiệp có dự án Cảng Cái Cui, Khu Công nghiệp Sông Hậu; về nông nghiệp chủ yếu là trồng cây ăn trái, hoa màu và chăn nuôi gia cầm, gia súc.

Nhà máy điện Sông Hậu 1 với quy mô công suất 2 x 600MW được thiết kế theo sơ đồ khối gồm 02 tổ máy, công suất định mức mỗi tổ máy là 600MW sử dụng than nhập khẩu, nước làm mát sử dụng nước sông Hậu.


Trong khuôn khổ Lễ khởi công và phát động thi đua sáng 18/7, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ủng hộ xây dựng Trường mẫu giáo Xã Phú Hữu, Huyện Châu Thành, Tỉnh Hậu Giang 5 tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu là một dự án thành phần của Trung tâm điện lực Sông Hậu, bao gồm các hạng mục chính: San lấp mặt bằng và hàng rào tạm Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn 1; Cảng dùng chung gồm 01 bến nhập thiết bị 3.000DWT, 01 bến xuất thạch cao 3.000DWT, 01 bến đá vôi 1.000DWT và 02 bến xuất tro xỉ 3.000DWT; Hệ thống điện cấp nguồn điện 22 KV và cấp nước cho thi công lắp đặt nhà máy điện Sông Hậu 1; Khu nhà làm việc của Ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú – Sông Hậu. Tổng mức đầu tư của Dự án này là 3.983,3 tỷ đồng (bao gồm VAT) được phân kỳ thành 03 giai đoạn đầu tư, trong đó Giai đoạn 1 là 2.101,6 tỷ. Nguồn vốn của Chủ đầu tư và vốn vay.

Kể từ khi được giao làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 và cơ sở hạ tầng dùng chung tại Trung tâm Điện lực Sông Hậu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành triển khai hàng loạt các công việc với tốc độ khẩn trương để đến nay có đủ điều kiện tiến hành khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu.

 


Ông Huỳnh Minh Chắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang (bên trái ảnh) trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Ông Hồ Công Kỳ - Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú - Sông Hậu (Ảnh: Hoàng Tuấn).

 

Trung tâm Điện lực Sông Hậu - Hậu Giang được xác định là trung tâm điện lực vùng, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho khu vực phía Nam và điều hòa chung cho cả nước thông qua hệ thống đường dây 220/500KV Bắc - Nam. Riêng đối với Hậu Giang, việc đầu tư Trung tâm Điện lực Sông Hậu không chỉ hình thành, phát triển được một hạ tầng cơ sở về năng lượng, gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác phát triển và có nguồn thu ngân sách lớn, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước thời gian qua, đặc biệt các năm gần đây, nhu cầu về sử dụng điện năng không ngừng gia tăng. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước với mức tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm trong giai đoạn 2010-2015, dự báo nhu cầu phát triển phụ tải điện sẽ tăng ở mức trên 15-17%/năm. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 cũng như một số nhà máy điện than khai thác tại khu vực ĐBSCL là hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và của cả nước nói chung với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Trong những năm qua, nhiều công trình điện năng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng như Trung tâm Điện lực Dầu khí Cà Mau gồm 2 nhà máy khí điện với tổng công suất 1.500MW (vận hành thương mại cuối năm 2008) và Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 có công suất 450MW vận hành thương mại cuối tháng 6/2009, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia gần 10 tỷ KWh, giúp chia sẻ khó khăn với ngành điện, đảm bảo cung cấp điện năng cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Ngoài các dự án điện trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiếp tục  khẩn trương xúc tiến triển khai các dự án khác được giao làm chủ đầu tư như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1- Quảng Bình (công suất 1200 MW), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 – Sóc Trăng (công suất 1.200 MW), Nhà máy Thủy điện Luang Prabang tại nước bạn CHDCND Lào (công suất khoảng 1.110MW).

Bài viết liên quan