Theo PVN, năm 2011 tổng doanh thu của toàn tập đoàn đạt 675,3 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 89,4 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 160,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2012, PVN phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu cụ thể. Với sản lượng khai thác dầu thô: Kế hoạch Chính phủ giao, giao ước thực hiện và vượt kế hoạch lần lượt là (15,81 triệu tấn, 15,86 triệu tấn, vượt 50 nghìn tấn); tương tự việc khai thác khí (9 tỷ mét khối, 9,05 tỷ mét khối, vượt 50 triệu mét khối; sản xuất phân đạm (1,21 triệu tấn, 1,41 triệu tấn, vượt 200 nghìn tấn); sản xuất xăng dầu (5,95 triệu tấn, 6 triệu tấn, vượt 50 nghìn tấn); sản xuất điện (13,85 tỷ KWh,16,85 tỷ KWh, vượt kế hoạch sản xuất nếu EVN huy động tối ưu công suất các nhà máy nhiệt điện của tập đoàn). Tổng doanh thu toàn tập đoàn cũng lần lượt (660 nghìn tỷ, 726 nghìn tỷ, vượt 10% so với kế hoạch); nộp ngân sách Nhà nước toàn tập đoàn (135 nghìn tỷ, 155 nghìn tỷ, vượt 15%). Đặc biệt, về tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01/CP của Chính phủ, Hội đồng thành viên tập đoàn PVN đã ban hành Nghị quyết số 1151/NQ - HĐTV (ngày 15-2-2012) về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2012, với tổng giá trị là 3.715 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện của tập đoàn trong năm 2011 (3.361 tỷ đồng). Trong đó, tiết giảm chi phí quản lý 563 tỷ đồng bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý có hiệu quả các chi phí quản lý từ công ty mẹ - tập đoàn tới các đơn vị thành viên, thắt chặt chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản… Tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hóa sản xuất và tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng khoảng 2.656 tỷ đồng, với giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và sáng kiến cải tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát, hiệu chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị; hợp lý hóa sản xuất, thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng đúng và vượt tiến độ trên cơ sở tối ưu hóa quy trình công nghệ, chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực, vật tư; cải tiến phương pháp thi công, xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, đưa các công trình mới vào vận hành đúng, vượt tiến độ... Tiết giảm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là 496 tỷ đồng, giải pháp được đưa ra là thực hiện giao thầu với mức tiết giảm 3-5% so với kế hoạch, giá dự toán được duyệt; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ bản bằng hình thức cam kết trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Với việc tái cấu trúc để tiếp tục phát triển tập đoàn mạnh hơn, PVN tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững; phấn đấu trong 5 năm tới là tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với con số cam kết tiết giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm lên tới 3.715 tỷ đồng, PVN là tập đoàn có mức tiết giảm lớn nhất so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã ký cam kết trước đó. Hạ giá thành sản phẩm và tiết giảm chi phí là giải pháp sống còn để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung, PVN nói riêng nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt khi nước ta đã mở cửa hội nhập sâu rộng. Tiết kiệm không chỉ đơn thuần là cắt giảm chi tiêu, mà là sự tối đa hóa hiệu quả hoạt động cũng như lợi nhuận trên số vốn bỏ ra. Với số tài sản chiếm tới 1/3 tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, dư địa tiết kiệm của PVN rất lớn. Vì vậy, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành phải trở thành công việc hằng ngày của PVN với sự tham gia, giám sát của cấp ủy đảng và các tổ chức khác. Cuối tháng 3-2012, các đơn vị phải báo cáo chính thức các giải pháp tiết giảm, hạ giá thành với Bộ Tài chính trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, đây sẽ là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị...
Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu khẳng định, riêng 2 tháng đầu năm nay, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong tháng. PVN đã đưa vào vận hành thành công các nhà máy: Đạm Cà Mau, Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) và chuẩn bị đưa Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi vào vận hành. Với 3.715 tỷ đồng của việc tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh là con số khá lớn, nhưng nếu cán bộ công nhân viên của PVN đồng lòng thực hiện, sẽ có khả năng vượt xa con số tiết kiệm đó...
Đồng lòng với việc tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) cho biết, năm nay Vietsovpetro sẽ nỗ lực khai thác 6,4 triệu tấn dầu, gia tăng trữ lượng thu hồi đạt 8,3 triệu tấn; doanh thu hơn 5 tỷ USD, lợi nhuận cho phía Việt Nam là 2,8 tỷ USD. Một trong những vấn đề trọng yếu của Vietsovpetro là ngăn chặn đà suy giảm trữ lượng dầu. Năm nay, Vietsovpetro cam kết tiết giảm 500 tỷ đồng. Về lĩnh vực lọc hóa dầu, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị tiếp quản Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khẳng định, với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được thông qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ sản xuất 5,95 triệu tấn xăng dầu các loại, vận hành an toàn Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi công suất 100.000 tấn/năm. Doanh thu của doanh nghiệp phấn đấu đạt 110.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 16.000 tỷ đồng và cam kết tiết giảm 170 tỷ đồng... Các đơn vị thành viên khác của PVN đều cam kết tiết giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, phấn đấu đưa PVN sớm trở thành tập đoàn mang tầm vóc quốc tế.
(Theo Hà Nội Mới)