Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đóng một vai trò đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam, từ giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Với những thành tựu và vai trò lịch sử quan trọng, DNNN đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là công cụ của Nhà nước để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt, thực hiện các chính sách xã hội...
Doanh nghiệp Nhà nước luôn là trụ cột của nền kinh tế. |
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hiện đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hoá lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt… Có thể nói vai trò của DNNN là đặc biệt quan trọng, thể hiện trên nhiều mặt.
Một là, số lượng DNNN mặc dù chỉ chiếm gần 0,4% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.
Hai là, DNNN có vai trò lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) về thị trường phát điện Việt Nam, các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn điện.
Ba là, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực tiếp tham gia phục vụ an ninh - quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng, viễn thông. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá.
Ngoài ra, DNNN có vai trò rất quan trọng trong thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội. Đó là, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, huy động nguồn vốn, tăng môi trường cạnh tranh, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế. DNNN giữ vị trí tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại, trình độ quản lí tiên tiến, tăng năng suất lao động và đi đầu về chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DNNN còn có vai trò quan trọng trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, sự phát triển hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước sẽ trực tiếp gia tăng sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo nền tảng vững chắc của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. |
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, từ quá khứ đến hiện tại DNNN đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế quốc gia.
Sau khi giành độc lập, non sông thu về một mối, DNNN đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và tái thiết đất nước. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thập niên 1980, DNNN chiếm tới 70% tổng sản lượng công nghiệp của Việt Nam và đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế bao cấp. Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Petrovietnam), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp năng lượng và tài nguyên thiết yếu, hỗ trợ cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Trong giai đoạn này, với mô hình kinh tế tập trung, DNNN được giao nhiệm vụ chủ yếu sản xuất hàng hóa thiết yếu, phân phối và điều tiết các nguồn lực trong nước. Họ đóng góp không chỉ trong việc sản xuất mà còn đảm bảo thực hiện các mục tiêu xã hội như cung cấp việc làm và đảm bảo phúc lợi cho người dân.
Khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới vào năm 1986, DNNN vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng đã bắt đầu có những thay đổi để thích ứng với kinh tế thị trường. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi cơ chế hoạt động từ bao cấp sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý. Chẳng hạn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chuyển từ một doanh nghiệp công ích sang hoạt động theo mô hình kinh doanh cạnh tranh và trở thành một hãng hàng không quốc gia quan trọng trong khu vực.
Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, DNNN được xác định là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN thể hiện rõ nhất trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, DNNN vẫn duy trì sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là năng lượng, viễn thông, và hạ tầng cơ sở.
Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ngừng cung cấp điện năng cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Hay như Viettel, một tập đoàn viễn thông quốc phòng nhà nước, đã không chỉ phát triển thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu khu vực, mà còn đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần vào sự phát triển của công nghệ 5G tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp Việt Nam cạnh tranh trên trường quốc tế mà còn thúc đẩy sự phát triển công nghệ nội địa. Ngoài ra, DNNN cũng đóng góp đáng kể vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải của Việt Nam...
Đề cập đến vấn đề này, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Một trong những điểm nổi bật của DNNN là sự tham gia tích cực vào các ngành công nghiệp nền tảng và công nghệ cao, những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn và rủi ro cao mà doanh nghiệp tư nhân thường không đủ khả năng tham gia. Bên cạnh đó DNNN đóng vai trò dẫn dắt trong những lĩnh vực có sức lan tỏa lớn, như năng lượng tái tạo và viễn thông.
Có thể thấy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Dù đứng trước nhiều thách thức, DNNN vẫn là trụ cột của sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh quốc gia, và thúc đẩy phát triển công nghệ...
Theo PetroTimes