Ngày 4/7, tại Bãi cảng Chế tạo Kết cấu kim loại và Thiết bị Dầu khí 23ha, Khu Căn cứ Dịch vụ Hàng hải Sao Mai Bến Đình, phường 9, thành phố Vũng Tàu, Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC- MS) và Công ty Liên doanh điều hành Hoàng Long (Hoàng Long JOC) sẽ tổ chức Lễ khởi công Công trình chế tạo khối thượng tầng giàn khoan H4 – mỏ Tê Giác Trắng. Hợp đồng giao nhận thầu trọn gói (EPCI) đã được Hoàng Long JOC và PVC-MS ký kết ngày 29/6/2011, tại Hà Nội trước sự tham gia chứng kiến của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thế, Giám đốc Công ty PVC-MS.
PV: Chào ông! Xin chúc mừng PVC-MS nhân sự kiện quan trọng này của công ty. Được biết PVC-MS đã thực hiện công tác gia công chế tạo cho ngành Dầu khí từ năm 1983, vậy tại sao đến giờ công ty mới chính thức thực hiện hợp đồng đầu tiên theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPCI)?
Ông Nguyễn Đình Thế: Về kinh nghiệm thi công, chúng tôi đã có bề dày 28 năm. Với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân, hiện tại công ty có thể đảm nhiệm công tác chế tạo mỗi năm trên 20.000 tấn kết cấu (Khối thượng tầng H4 chỉ khoảng 2.500 tấn). Tuy nhiên, công tác quản lý hợp đồng theo hình thức EPCI yêu cầu tính đồng bộ cao trong quản lý cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng và năng lực thiết bị. Từ năm 2009, chúng tôi đã được Tập đoàn trao chủ trương cho đầu tư xây dựng Bãi cảng chế tạo Kết cấu kim loại và Thiết bị Dầu khí 23ha tại Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Sao Mai Bến Đình, ngày 30-6 sẽ nghiệm thu sử dụng giai đoạn 1 và ngày 4/7 này sẽ tổ chức Lễ khởi công (first-cut) hợp đồng H4 trên mặt bằng bãi cảng này.
Chúng tôi đã thực hiện gia công, chế tạo hàng trăm công trình tương tự cho ngành Dầu khí trong và ngoài nước, tất cả đều đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ, trong đó có những công trình lớn nhất mà nhà thầu trong nước lần đầu tiên được đảm nhận như chân đế và khối thượng tầng giàn Đại Hùng, giàn Mộc Tinh…
Tuy nhiên, Hợp đồng H4 là hợp đồng EPCI đầu tiên mà PVC-MS ký với tư cách là tổng thầu. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị tốt về năng lực con người, thiết bị, bến bãi… cùng với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dự án sẽ được hoàn thành với chất lượng cao, an toàn và đúng tiến độ.
PV: Ông có thể cho biết thêm về năng lực chế tạo của Bãi cảng Chế tạo Kết cấu kim loại và Thiết bị Dầu khí 23ha Sao Mai Bến Đình?
Ông Nguyễn Đình Thế: Được sự hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như PVC và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, PVC-MS đã đầu tư xây dựng giai đoạn 1 bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí hiện đại rộng 23ha tại Khu căn cứ Dịch vụ Hàng hải Sao Mai Bến Đình. Khu vực nhà xưởng chế tạo và chống ăn mòn có diện tích gần 4.500m2, khu vực cầu cảng có chiều dài tuyến bến 246m, được thiết kế hiện đại có thể hạ thủy chân đế và các kết cấu siêu trường, siêu trọng, có trọng tải lên tới hơn 10.000 tấn. Với sự nỗ lực này, từ đây, PVC-MS đã chính thức trở thành một trong số ít nhà thầu chính xây lắp chuyên ngành Dầu khí của Việt Nam thực hiện trọn gói thiết kế, thi công, mua sắm, chế tạo, lắp đặt ngoài khơi các công trình dầu khí.
Hợp đồng EPCI Khối thượng tầng giàn khoan H4 do Hoàng Long JOC làm chủ đầu tư là hợp đồng trọn gói đầu tiên PVC-MS thực hiện, có tổng vốn hơn 44,4 triệu USD. Khối thượng tầng giàn H4 có tổng trọng lượng kết cấu, hệ thống và thiết bị khoảng 2.500 tấn. PVC-MS sẽ thực hiện từ khâu thiết kế mua sắm, thi công, chế tạo, lắp đặt. Đây cũng là công trình đầu tiên được triển khai trên Bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại của PVC-MS. Chúng tôi tin tưởng rằng, hợp đồng này là bước ngoặt quan trọng và sẽ là một sự mở đầu thuận lợi trong chiến lược phát triển xây lắp chuyên ngành của PVC-MS trong những năm tiếp theo.
PV: Mục tiêu của PVC-MS là đến năm 2015 sẽ trở thành nhà thầu chính uy tín, có thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế, đóng vai trò chủ đạo thực hiện các hợp đồng EPCI cho ngành Dầu khí. Thưa ông, PVC-MS đã có sự chuẩn bị thế nào để thực hiện được mục tiêu này?
Ông Nguyễn Đình Thế: Qua 28 năm hoạt động, PVC-MS đã thi công gần 60% số lượng chân đế và khối thượng tầng giàn khoan cho ngành Dầu khí Việt Nam. Các công trình do PVC-MS thực hiện đều được khách hàng, chủ đầu tư đánh giá cao, đặc biệt là các khách hàng quốc tế có những yêu cầu về quy trình và chất lượng rất khắt khe như: Petronas (Malaysia), Toyo (Nhật Bản), Tecnip (CT Dung Quất)… Chúng tôi đã từng bước đạt tới đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực, chuyên ngành chế tạo, thi công các công trình dầu khí.
Việc tiến tới thực hiện các hợp đồng theo hình thức trọn gói và trở thành một trong các đơn vị chủ lực thực hiện các hợp đồng EPCI cho ngành Dầu khí nằm trong chiến lược phát triển chung của PVC đã được Tập đoàn phê duyệt. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, PVC-MS có hơn 1.600 lao động, trong đó có gần 300 người có trình độ đại học, trên đại học; gần 500 thợ hàn và thợ khác có chứng chỉ quốc tế, cùng với cơ sở thiết bị máy móc đầy đủ, đội ngũ cán bộ quản lý tâm huyết; tập thể kỹ sư nhiệt tình, giàu kinh nghiệm… Chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!