Những ông “vua một vùng”
Theo báo cáo tổng kết công tác người đại diện nguồn vốn PVC 2016, lãnh đạo PVC đã thẳng thắn “chỉ mặt gọi tên” người đại diện nguồn vốn (NĐDNV)tại PVC Land, PVC - Bình Sơn, PVC Mekong, PVC - MT, Lam Kinh… chưa tuân thủ đầy đủ chế độ thông tin báo cáo định kỳ. Còn cái tính ỷ lại, thụ động cũng là căn bệnh trầm kha của một số đơn vị như PVC Thái Bình, PVC - PT, PVC - Bình Sơn… khi chỉ trông chờ nguồn việc từ tổng công ty, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao thầu, chỉ định thầu tại các dự án do PVN và các đơn vị trong ngành làm chủ đầu tư. Kỳ lạ hơn khi một số người đại diện lại “né tránh” báo cáo những khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Cùng với đó là việc không cảnh báo cho tổng công ty những sai sót, rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khiến lãnh đạo PVC không kịp xoay xở, điều chỉnh.
Đáng lo ngại hơn nữa khi một số người đại diện nguồn vốn không thực hiện đúng chỉ đạo của PVC, không xin ý kiến khi phê duyệt nhân sự thuộc diện lãnh đạo tại đơn vị mà mình đại diện. Gần đây nhất là việc người đại diện PVC ở Petroland tham gia biểu quyết các vấn đề của doanh nghiệp hay NĐDNV PVC - TH thông qua thành viên Ban Kiểm soát nhưng chưa có sự chấp thuận của PVC sẽ bị Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc PVC xử lý, phê bình nghiêm khắc bằng văn bản. Đỉnh điểm của sự không thể chấp nhận được là NĐDNV tại PVC Duyên Hải khi vừa không có sự phối hợp hay hợp tác trong công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp lại còn thường xuyên có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến việc đơn thư khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín của PVC và cả PVN.
Không còn bất khả xâm phạm
Từ năm 2014, ban lãnh đạo PVC đã đưa vào toàn bộ người đại diện vào “tầm ngắm” với việc tổ chức “Hội nghị Người đại diện nguồn vốn” mà Báo Năng lượng Mới đã phản ánh trong bài “Hội nghị nói thẳng nói thật”. Tại đây, những vấn đề tồn tại trong quản trị doanh nghiệp của PVC được phân tích, mổ xẻ cụ thể. Sau đó, từ Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc đến toàn bộ những NĐDNV đã phải tự nhìn nhận trách nhiệm cụ thể của mình.
Đến đầu năm 2015, PVC đã thực hiện xây dựng, ban hành được một bộ quy định - quy chế liên quan tới người đại diện. Trong đó, quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ của NĐDNV của PVC tại các doanh nghiệp khác. Quy định cụ thể người đại diện phải có trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, phải phụ trách về chuyên môn và hiệu quả một số nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở quan trọng có thể xử lý một cách toàn diện công tác NĐDNV với mục đích để doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt, quy trách nhiệm rõ ràng khi doanh nghiệp thiếu hiệu quả, hoặc làm ăn thua lỗ.
Theo đó, PVC đã sắp xếp các đơn vị cùng NĐDNV từng doanh nghiệp theo các nhóm khác nhau phù hợp với chiến lược đầu tư của PVC tại mỗi doanh nghiệp. Đồng thời các tiêu chí đánh giá cũng được định hướng phù hợp với tính chất vị trí công việc… Qua kết quả đánh giá chính thức mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ người đại diện của PVC tại doanh nghiệp khác năm 2014-2015 khi áp dụng quy định mới cho thấy kết quả đánh giá đã cơ bản sát sao, phù hợp, đúng thành tích, sát với hiệu quả làm việc và đóng góp của người đại diện vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và cả tổ hợp PVC.
Trong thời gian qua, căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị, PVC đã tiến hành “kiện toàn” NĐDNV tại các doanh nghiệp có kết quản sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 2 hoặc 3 năm gần nhất. Tiến hành sắp xếp, bố trí lại công việc phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của NĐDNV ở các đơn vị mà PVC đã thoái vốn theo đề án tái cơ cấu. Đồng thời cử, luân chuyển, điều động các cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp tốt làm người đại diện tại các doanh nghiệp nòng cốt, quy mô lớn thuộc chuỗi giá trị cốt lõi của PVC hoặc tại các doanh nghiệp phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về tài chính, quản trị cần có sự tham gia điều hành trực tiếp của PVC.
Trong năm 2015-2016, PVC đã thực hiện điều chỉnh 17 người đại diện. Trong đó, phân công nhiệm vụ trong kế hoạch tái cơ cấu 13 người, chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng lao động 4 người. Ngay lập tức, tại các đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại người đại diện thì tình hình đơn thư khiếu nại, khiến kiện giảm đáng kể như tại PVC Land và tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp như PVC - PT, PVC - TH… cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Thực hiện chủ trương thoái vốn, tái cơ cấu vốn của PVC tại Vinaconex - PVC, PHH, ICG, PV - SSG, PVME, PVL… Mặt khác, người đại diện của PVC đã tích cực phối hợp trong công tác thu hồi công nợ, giải quyết vấn đề nợ chéo, cơ cấu lại các khoản mục đầu tư. Kết quả đáng mừng là PVC đã thu hồi được 153,75 tỉ đồng tại các đơn vị như PVC - Idico, PVC-MT, PVNC…
Việc những lãnh đạo trẻ của PVC quyết liệt trong công tác NĐDNV đòi hỏi một dũng khí rất lớn. Nói như vậy là bởi đây là vấn đề mà rất nhiều tổng công ty có vốn Nhà nước vẫn còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào. Điều này còn có ý nghĩa hơn nữa khi PVC đang từng bước kinh doanh có lãi, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên để vững bước phát triển thành đơn vị xây lắp công trình dầu khí chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.
PVC đang tham gia góp vốn tại 33 doanh nghiệp với giá trị đầu tư gần 3.180 tỉ đồng. Việc quản lý vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác được thực hiện thông qua 109 người đại diện. Theo đánh giá mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ người đại diện năm 2015, PVC có 7 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 7 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, 4 người hoàn thành nhiêm vụ, 32 người chưa hoàn thành nhiệm vụ. Người đại diện không đại diện phần vốn cũng có 14 người chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. |