Tin Tổng công ty

“Sàn tự nâng Jack-up” thiết bị thi công cảng biển đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam

PVC-ME đã đầu tư thiết bị “Sàn tự nâng Jack-up” với mức tổng đầu tư lên đến 5 triệu USD tương đương với 100 tỷ đồng VN. Đây là bước đi khẳng định mục tiêu xây dựng và phát triển Công ty CP Thi công Cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) trở thành đơn vị thi công cơ giới mạnh, đi tiên phong trong lĩnh vực xử lý nền móng công trình tại các khu vực có địa chất nền đá, trên thềm lục địa khu vực gần bờ và hướng tới các công trình trên khu vực bờ biển.


Jack-up là sàn thao tác tự nâng, hạ trên biển, có thể thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (sóng to, gió lớn, độ sâu vùng nước và chiều sâu ngập chân 25,5m; lớp đệm không khí 1,2m; độ cao sóng còn lại 5m; độ cao sóng vận hành 2m; sự phân cực sóng 10giây; vận tốc dòng chảy 2m/s; tốc độ gió 13m/s), sàn có tổng trọng lượng vận chuyển là 250 tấn với kích thước thực tế là 24.40x17.08x 2.44m. Sàn có bốn chân chống thuỷ lực với tổng chiều dài mỗi chân 36m là tổ hợp của 3 đốt, mỗi đốt dài 12 m; Sàn tự nâng được xây dựng từ các bộ phận theo kiểu container vận chuyển tiêu chuẩn ISO, trên sàn trang bị một container điều khiển thuỷ lực và một máy phát điện 200 KVA. Khi làm việc “Sàn tự nâng Jackup” sẽ nâng mặt sàn lên khỏi mặt nước để thi công và khi di chuyển là một hệ nổi có tàu lai dắt 400CV. “Sàn tự nâng Jack-up” được PVC-ME nhập khẩu từ Hà Lan với công nghệ hiện đại và cũng là thiết bị thi công cảng biển đầu tiên tại Việt Nam. “Sàn tự nâng Jack-up” cập cảng Hải Phòng vào ngày 17/12/2010 và được vận chuyển đến Cảng vụ Vũng Áng lắp đặt từ ngày 6/01/2011 đến ngày 16/01/2011. Hiện nay PVC-ME đang hoàn thiện các thủ tục về đăng kiểm tại Cục đăng kiểm Việt Nam và dự kiến đến cuối tháng 2/2011 sàn sẽ được đưa vào vận hành, phục vụ thi công hạng mục Cảng nhập than của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng1, đây là một hạng mục được đánh giá là khó khăn nhất trong các công việc xây dựng của Dự án vì phải thi công trên biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (sóng to, gió lớn - đê chắn sóng không có; điều kiện địa chất xấu - chủ yếu là cát chảy và đá gốc có cường độ cao) mà các thiết bị thi công trên biển như pông tông (xà lan) hiện có trên thị trường trong nước chỉ thi công trong điều kiện thời tiết bình thường.

Dự án thi công Cảng nhập than thuộc Nhà máy NĐ Vũng Áng là dự án trọng điểm không chỉ của Ngành Dầu khí mà của cả Đất nước, việc hoàn thành và bàn giao cảng theo đúng tiến độ là một những mục tiêu trọng tâm mà PVC-ME quyết tâm phải hoàn thành.


Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại trên sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm tăng sự chủ động  trong công tác thi công cảng biển (mà trước đây phải thuê các đơn vị nước ngoài) và làm tăng sức cạnh tranh của PVC-ME trên thị trường thi công cầu cảng trong và ngoài nước.

Nguyễn Huyền

Bài viết liên quan