PV: Cùng với giải pháp về con người, về quản lý, giải pháp về khoa học công nghệ là một trong 3 giải pháp đột phá nhằm thực hiện Chiến lược tăng tốc phát triển của Petrovietnam. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học của công nghệ đối với sự phát triển của Petrovietnam?.
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Để thực hiện Chiến lược tăng tốc phát triển của Petrovietnam, lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn về quản lý, về khoa học – công nghệ và về con người. Trong đó giải pháp về khoa học – công nghệ được cho là động lực phát triển của Petrovietnam.
Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Quốc Thập
Điều đó được thể hiện rất rõ nét trong 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn: tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí kết quả được thể hiện qua các công trình nghiên cứu khoa học, các ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong tìm kiếm, đánh giá chính xác tiềm năng, khai thác và tận thu các sản phẩm dầu khí. Đối với lĩnh vực dịch vụ thì sản phẩm chủ yếu được thể hiện là các sản phẩm công nghệ như những công trình về giàn khoan, cầu cảng, bến bãi, sản phẩm kỹ thuật cao như khảo sát thu nổ địa chấn, khảo sát công trình, lĩnh vực xử lý tàng trữ các kho chứa nổi ngoài khơi như FPSO, FSO…
Với lĩnh vực công nghiệp khí chúng ta cũng có những bước phát triển đáng kể với hệ thống đường ống vận chuyển khí, các nhà máy xử lý, kho lưu trữ áp dụng công nghệ tiên tiến. Lĩnh vực điện tuy mới phát triển nhưng cũng đã và đang nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như phong điện, năng lượng mặt trời… bên cạnh các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đang triển khai. Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, Petrovietnam cũng có những thành tựu KHCN rất đáng tự hào về nghiên cứu và sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, như: xăng dầu, xăng máy bay, phân bón các loại,..
PV: Những công trình nào được coi là mang dấu ấn tiêu biểu của khoa học – công nghệ Dầu khí, thưa ông?
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Ngành Dầu khí có đặc thù là ngành công nghiệp sử dụng kỹ thuật cao nên có thể nói công trình nào của dầu khí cũng mang dấu ấn của KHCN. Trong số đó, có thể đơn cử vài ví dụ tiêu biểu như: Cụm công trình phát hiện khai thác hiệu quả dầu khí từ thân dầu móng nứt nẻ của bồn trũng Cửu Long, công trình này đang được đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai là công trình Thiết kế chế tạo và xây lắp giàn khoan tự nâng 90m nước phục vụ cho khoan và tìm kiếm thăm dò khai thác vùng nước sâu vừa được hạ thủy vào cuối tháng 8/2011. Công trình thứ ba là đánh giá tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa Việt Nam, là một công trình nghiên cứu, tổng hợp và quy mô lớn nhất, kế thừa toàn bộ các nghiên cứu về địa chất-địa vật lý thăm dò dầu khí từ trước đến nay, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Các công trình, cụm công trình, cụm giàn khai thác dầu khí trong các điều kiện địa chất, thủy văn khác nhau cũng là những sản phẩm mang đậm dấu ấn của KHCN Petrovietnam.
PV: Triển lãm năm nay, PVN mang tới những sản phẩm khoa học – công nghệ độc đáo nào, thưa ông?
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Triển lãm năm nay mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống ngành Dầu khí. Petrovietnam mang tới các sản phẩm KHCN như: mô hình giàn khoan tự nâng, giàn khai thác chúng ta tự thiết kế, chế tạo và xây lắp; các tàu chứa dầu FSO, tàu xử lý và chứa dầu FPSO, tác tàu chở dầu, tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D; và các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, và nhiều sản phẩm đạm, hóa chất… tiêu biểu của ngành.
Mọi công tác chuẩn bị cho Triển lãm đã gần hoàn thành.
PV: Ông đánh giá như thế nào về quy mô, tầm ảnh hưởng của Triển lãm quốc tế Dầu khí Việt Nam đối với hoạt động của ngành Dầu khí và khoa học – công nghệ Việt Nam?
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Triển lãm quốc tế Dầu khí Việt Nam lần 9 (Vietnam Oil & Gas Expo 2011) là triển lãm về dầu khí lớn nhất từ trước đến nay với 130 gian hàng, trong đó có 5 tổ hợp gian hàng của những quốc gia như Nga, Pháp, Na Uy, Singapore, Việt Nam. Triển lãm là cơ hội để các công ty, nhà điều hành trong nước có điều kiện tiếp cận với các thành tựu khoa học – công nghệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực từ thượng nguồn đến hạ nguồn và là cơ hội quảng bá các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật dầu khí với các đối tác nước ngoài. Ngược lại, các đối tác cũng có điều kiện tiếp thị sản phẩm công nghệ cao trên thị trường Việt Nam và hiểu rõ hơn về hoạt động của Petrovietnam, từ đó có những bước đi thích hợp cho sự hợp tác lâu dài với Petrovietnam.
PV: Các đối tác tham dự triển lãm đánh giá như thế nào về cuộc Triển lãm này và kỳ vọng của đối tác trong việc hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ?
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Trong xu thế hội nhập của đất nước và trong một khu vực Đông Nam Á phát triển năng động về kinh tế và hoạt động dầu khí thì triển lãm là cơ hội giới thiệu sản phẩm của ngành Dầu khí với đối tác tại Việt Nam và đối tác tham dự triển lãm. Từ đó nảy sinh thêm nhiều ý tưởng và cơ hội hợp tác với nhau. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành được tiếp cận với những nhà cung cấp sản phẩm công nghệ cao, cơ hội bước ra thị trường nước ngoài bằng chính đôi chân của Petrovietnam hoặc thông qua việc hợp tác với các đối tác.
Với mục tiêu phát triển bền vững, Petrovietnam sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà phải vươn ra thị trường thế giới. Triển lãm lần này chắc chắn cũng là một cơ hội để thực hiện mục tiêu đó.
PV: Thông qua triển lãm, Petrovietnam dự định sẽ hợp tác với các đối tác, công ty dự triển lãm ở những lĩnh vực nào?
PTGĐ Nguyễn Quốc Thập: Petrovietnam sẽ hợp tác với các đối tác ở lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí và tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo petrotimes.vn