Tin Tập đoàn

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với các công trình chất lượng vàng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, khi đi vào vận hành đáp ứng hơn 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước. Năm 1997, dự án được triển khai theo Quyết định 514/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn từ cuối năm 1998 - 2003, chúng ta hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Tháng 2/2003, dự án chính thức do Việt Nam tự đầu tư 100% vốn.

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Ðể bảo đảm tiến độ xây dựng, từ giữa năm 2005 công tác thiết kế được tiến hành đồng bộ tại bốn trung tâm lớn của Tổ hợp nhà thầu TPC: Pari (Pháp), Yokohana (Nhật Bản), Madrit (Tây Ban Nha) và Kurla Lumpur (Malaysia). Việc xử lý mặt bằng Nhà máy và khởi công xây dựng các hạng mục phụ trợ, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác thi công được Tổ hợp nhà thầu TPC và các nhà thầu phụ tiến hành khẩn trương. Quá trình thực hiện dự án đã gặp nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ðảng và Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ, cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009.

Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và đường ống dẫn khí PM3 thuộc dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Đây là dự án năng lượng lớn, không những có ý nghĩa quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên một diện tích hơn 200ha, bao gồm các dự án: Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau; các nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; Nhà máy Đạm Cà Mau cùng các công trình công nghiệp quan trọng khác của địa phương như: Cơ sở hạ tầng phụ trợ và khu dân sinh phục vụ tái định cư, KĐTM cho CBNV trong KCN.

Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2

Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 (tổng mức đầu tư trên 860 triệu USD) có tổng công suất 1500MW do TCty Lắp máy Việt Nam làm tổng thầu EPC và nhà thầu Siemens (Đức) cung cấp thiết bị nhà máy chính, sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp thế hệ mới có khả năng cung cấp trên 9 tỷ KWh điện/năm, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên khai thác từ ngoài khơi đưa về qua hệ thống đường ống PM3 - Cà Mau.Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 (tổng mức đầu tư trên 860 triệu USD) có tổng công suất 1500MW do TCty Lắp máy Việt Nam làm tổng thầu EPC và nhà thầu Siemens (Đức) cung cấp thiết bị nhà máy chính, sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp thế hệ mới có khả năng cung cấp trên 9 tỷ KWh điện/năm, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên khai thác từ ngoài khơi đưa về qua hệ thống đường ống PM3 - Cà Mau.

Đường ống dẫn khí MP3 Cà Mau

Hệ thống đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau - đường ống dẫn khí lần đầu tiên được nhà thầu Việt Nam là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô làm tổng thầu EPC - dài trên 300km với công suất vận chuyển hơn 2 tỷ m3 khí/năm, tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Các công trình này đã được vận hành thương mại trong mùa khô 2007 - 2008 góp phần hạn chế những thiếu hụt về điện của cả nước trong năm 2008. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội cho khu vực miền Tây Nam bộ, đặc biệt là tỉnh Cà Mau.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Đây la Nhà máy thuộc TCty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) được đặt tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT. Tổng vốn đầu tư 370 triệu USD công suất 800.000 tấn urea/năm, với diện tích khuôn viên 63ha, sử dụng công nghệ của hãng Haldor Topsoe của Đan Mạch để sản xuất khí amoniac và công nghệ của hãng Snamprogetti của Italia để sản xuất phân urê. Đây là các công nghệ hàng đầu trên thế giới, chu trình công nghệ khép kín cùng với việc tự tạo điện năng và hơi nước giúp nhà máy hoàn toàn chủ động trong sản xuất kể cả khi lưới điện quốc gia có sự cố hoặc không đủ điện cung cấp.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Ngoài các hạng mục ban đầu, nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng tối đa các nguồn lực của PVFCCo, đáp ứng một cách thuận lợi và hiệu quả cho công tác SXKD và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, TCty đã hoàn thiện việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới các hạng mục và hệ thống công nghệ trong nhà máy.

Giàn khoan giếng khai thác mỏ Sư tử đen

Đây là giàn đầu giếng hiện đại và lớn nhất từ trước tới nay được thi công chế tạo tại Việt Nam. Tập thể kỹ sư, công nhân của Cty PTSC và các chuyên gia của Cty J.Ray McDermott (một Cty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo và lắp đặt các công trình dầu khí) đã chế tạo khối thượng tầng này trên cơ sở sử dụng phương tiện thi công và cơ sở vật chất sẵn có của PTSC. Giàn WHP-A bao gồm ba sàn công nghệ chính và tháp đuốc được Cty Kellog Brown & Root (KBR) thiết kế với mức độ tự động hóa hoàn toàn, nặng khoảng 1.900 tấn bao gồm 1.000 tấn kết cấu thép, 300 tấn hệ thống đường ống công nghệ và 600 tấn thiết bị.

Giàn giếng khai thác mỏ Sư tử đen

Sau khi được lắp đặt tại mỏ, giàn công nghệ đầu giếng tiếp nhận dầu từ 17 giếng khai thác chuyển về tàu chứa và xử lý dầu thông qua hệ thống đường ống nội mỏ. Việc thực hiện thành công giàn công nghệ đầu giếng WHP-A cho Cty Liên doanh điều hành chung Cửu Long (CLJOC) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho Cty PTSC mà còn là cơ hội để đội ngũ cán bộ và công nhân của Cty được tiếp cận và làm quen với thiết kế hiện đại, biện pháp thi công và quản lý dự án tiên tiến được áp dụng trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Đây là mốc quan trọng trong quá trình thực hiện dự án "thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, chạy thử giàn công nghệ đầu giếng WHP-A, hệ thống đường ống ngầm và hệ thống kết nối đầu ống nằm trong dự án phát triển mỏ Sư Tử Đen giai đoạn I của CLJOC.

Lê Mỹ

Bài viết liên quan