Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC) chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90 m nước. |
Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ truyền thống như: dịch vụ khoan, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa đường ống..., trong ba năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới thuộc các lĩnh vực chuyên ngành chủ yếu của tập đoàn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị dịch vụ trong tập đoàn, điển hình là các dịch vụ: Thực hiện tổng thầu (EPC) các công trình dầu khí, đóng mới giàn khoan, đóng mới và sửa chữa phương tiện nổi, dịch vụ khảo sát địa chấn 2D, dịch vụ bảo dưỡng và vận hành các công trình dầu khí, dịch vụ giám định, kiểm định năng lượng, dịch vụ bọc ống, dịch vụ vận tải sản phẩm dầu, dịch vụ cung cấp khí hóa lỏng CNG, cung cấp xăng E5 cung ứng phân đạm, NPK...
Thành công nhờ sự đột phá
Sau hai năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kết quả đạt được trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí của tập đoàn đã có bước đột phá quan trọng. Tập đoàn đã phát triển được nhiều sản phẩm dịch vụ mới, luôn đạt mức tăng trưởng cao qua các năm, doanh thu dịch vụ năm 2009 đạt 35,4% và năm 2010 đạt 32% trong tổng doanh thu toàn tập đoàn, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết 233 của Ðảng ủy tập đoàn về phát huy nội lực đề ra (Nghị quyết đề ra là đến năm 2010 đạt 25-30%); trung bình cả giai đoạn 2006-2010 đạt 27,7%, cao hơn so với mục tiêu chiến lược đề ra (là chiếm từ 20 đến 25% tổng doanh thu toàn tập đoàn).
Một số đơn vị đạt mức tăng trưởng cao như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí, tổng doanh thu thực hiện cả năm 2009 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2008 và doanh thu năm 2010 là 20.800 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2009; Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí: doanh thu năm 2009 tăng 10,0% so với năm 2008 và năm 2010 tăng 75% so với năm 2009 do khai thác tối đa hiệu quả các giàn khoan và dịch vụ khoan; Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí: doanh thu năm 2009 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2008 và năm 2010 đạt 3.900 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí: năm 2009 đạt 5.658 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2008 và năm 2010 đạt 6.720 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2009; Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí doanh thu năm 2009 đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với năm 2008, doanh thu năm 2010 đạt 8.066,38 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với năm 2009.
Tổng Giám đốc PVN Ðỗ Văn Hậu cho biết: "Tốc độ tăng trưởng, doanh thu dịch vụ và tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực dịch vụ dầu khí với ngành không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết và chiến lược đề ra mà liên tục đạt được những kỷ lục mới: Hầu hết các loại hình dịch vụ đều có bước phát triển mạnh và đồng bộ; sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đơn vị trong tập đoàn chuyển biến tích cực. Năng lực, tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, khả năng thay thế chuyên gia nước ngoài thực hiện các dịch vụ, dự án phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao ngày càng được cải thiện rõ rệt. Phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng không chỉ ở trong ngành, trong nước, một số đơn vị đã đủ năng lực vươn ra cạnh tranh cung cấp dịch vụ ở thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động làm công tác dịch vụ có năng lực, kinh nghiệm quản lý trình độ chuyên môn, tay nghề chất lượng cao. Ðã đầu tư được lực lượng cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị hiện đại có khả năng thi công, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các dự án, công trình có thiết kế phức tạp, quy mô lớn, công nghệ cao mà trước đây chúng ta phải thuê nước ngoài thực hiện.
Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 233 của Ðảng ủy tập đoàn
Ngày 17-3-2009, Ðảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ÐU về phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị trong tập đoàn. Ðây là sự chủ động, sáng tạo của tập đoàn phù hợp tinh thần Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Ngay sau đó, Ðảng ủy tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Ðảng trong toàn Ðảng bộ tổ chức phổ biến, quán triệt cuộc vận động và Nghị quyết 233 tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên từng đơn vị; người đại diện vốn của tập đoàn tại các đơn vị thành viên, các JOC, các công ty liên doanh, các công ty tập đoàn không nắm quyền chi phối đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể phù hợp điều kiện thực tế của từng đơn vị để triển khai thực hiện.
Sau hai năm triển khai thực hiện, kết quả hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí tập đoàn đã có bước đột phá quan trọng, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động. Tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp như: yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ tái cơ cấu các nguồn lực theo hướng tập trung chuyên sâu vào các ngành nghề chính, tránh chồng chéo; quy hoạch lại cơ sở vật chất để khai thác cao nhất năng lực; từng đơn vị đầu tư cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ, thiết bị và công nghệ; cải tiến phương pháp quản lý, triệt để cắt giảm chi phí không hợp lý... Lĩnh vực dịch vụ của tập đoàn đã phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu và chiều rộng đã làm giảm mạnh chi phí thuê dịch vụ của nước ngoài, góp phần cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ, giảm nhập siêu (nhờ đẩy mạnh dịch vụ trong ngành, tập đoàn đã thu được thêm 2,67 tỷ USD trong năm 2009 và 6,2 tỷ USD trong năm 2010 do không phải thuê dịch vụ của nước ngoài).
Với những nỗ lực chung của tập đoàn và người đại diện tập đoàn tại các PSC, JOC, POC, dịch vụ trong ngành đã đạt được một số kết quả cụ thể: Bảo hiểm được trao 100% cho PVI. Công tác giám định được trao cho EIC, hiện tại các dịch vụ tàu thuyền 100% PTSC là đầu mối. Và nhận được nhiều gói thầu cung cấp tàu dịch vụ, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ cho các PSC, JOC, POC; Khoan và dịch vụ khoan được trao cho PVD thực hiện; Một số dịch vụ phân tích, xử lý, minh giải tài liệu được trao cho VPI. Cung cấp dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí trao cho DMC, MI. Trong việc ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành dầu khí, đối với các JOC được quán triệt tinh thần nêu trên, người đại diện phần vốn Việt Nam đã cố gắng trong việc ưu tiên sử dụng tối đa trong ngành.
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch PVN, tiến sĩ Phùng Ðình Thực, khẳng định: "Kết quả sau hai năm tập đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết 233 và Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt không chỉ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn, thách thức phát sinh mà còn kịp thời chấn chỉnh, phát huy được tiềm năng, khai thác được lợi thế đẩy mạnh hoạt động của lĩnh vực dịch vụ dầu khí phát triển mạnh mẽ đạt được những bước đột phá quan trọng dần dần đảm nhiệm được những phần việc mà trước đây phải thuê các nhà thầu nước ngoài. Qua đó xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành dầu khí, nâng cao năng lực, tính cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Phương hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong toàn tập đoàn để tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 233/NQ-ÐU ngày 17-3-2009 của Ðảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Phấn đấu tăng trưởng dịch vụ dầu khí năm 2011 đạt cao hơn so với năm 2010 và đến năm 2015, doanh thu dịch vụ đạt 30-35% tổng doanh thu của toàn tập đoàn (cao hơn mục tiêu chiến lược đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ Quyết định), tỷ trọng giá trị sử dụng dịch vụ trong nội bộ tập đoàn chiếm 50% tổng nhu cầu thuê dịch vụ toàn tập đoàn. Tập trung đầu tư, quy hoạch cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dụng, con người để nâng cao chất lượng, năng lực dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các đơn vị. Gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc cùng tạo ra hệ thống sản phẩm, dịch vụ chung. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, trước mắt là tập trung thực hiện dịch vụ cho các dự án của tập đoàn và các đơn vị thành viên của tập đoàn đầu tư ở nước ngoài.
Bảo đảm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2011, góp phần duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Rà soát, ban hành các quy định, quy chế về ưu tiên sử dụng dịch vụ nội bộ ngành phù hợp quy định của pháp luật.
Tổ chức tái cơ cấu các nguồn lực và lĩnh vực hoạt động, cơ sở vật chất, con người... theo hướng tập trung, chuyên sâu theo ngành nghề chính, bảo đảm không có sự chồng chéo, để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị. Tiếp tục tổ chức để các đơn vị đủ năng lực trong tập đoàn thực hiện tổng thầu các gói thầu các dự án do tập đoàn làm chủ đầu tư phù hợp chức năng, nhiệm vụ và năng lực của từng đơn vị.
Rà soát lại các quy định về cung cấp dịch vụ; làm việc với các bộ, ngành các vấn đề về thuế (VAT, xuất nhập khẩu...), hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai dịch vụ. Các đơn vị như Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty Khoan (PVD), chủ động chủ trì phối hợp các đơn vị dịch vụ khác trong tập đoàn xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất sẵn có của đơn vị, hợp tác cung cấp, sử dụng dịch vụ trọn gói, nhằm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư và dịch vụ trong nội bộ tập đoàn.
Chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển và thực hiện các dịch vụ phù hợp năng lực của đơn vị; luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị thành viên khác trong tập đoàn để kịp thời có thông tin triển khai dịch vụ giữa các đơn vị; tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí và các dịch vụ khác theo yêu cầu của đơn vị trong tập đoàn nếu các đơn vị thực hiện dịch vụ đủ năng lực thực hiện.
Phối hợp các đơn vị dịch vụ khác trong tập đoàn tạo thành một tổ hợp dịch vụ dầu khí mạnh, bổ sung lẫn nhau để thực hiện các dịch vụ dầu khí (kể cả dịch vụ cho các hoạt động của tập đoàn ở trong nước và nước ngoài). Coi đây là cốt lõi để xây dựng ngành dầu khí Việt Nam vững mạnh toàn diện.
(theo PVN)