Tin Tập đoàn

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Dịch vụ dầu khí tăng trưởng góp phần cân đối nguồn ngoại tệ

Doanh thu dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tăng trưởng mạnh đã giữ được nguồn ngoại tệ để đầu tư cho các dự án lớn tại Việt Nam, không để ngoại tệ chảy ngược ra nước ngoài, góp phần quan trọng cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ xuất nhập khẩu.

Đó là kết quả quan trọng của hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Petrovietnam về việc “phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn” nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển dịch vụ, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững.


Nhờ đẩy mạnh dịch vụ trong ngành, Petrovietnam đã tiết kiệm được 8,87 tỷ USD trong 2 năm (2009-2010) chi phí thuê nhà thầu nước ngoài.

Phát huy nội lực, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ dầu khí

Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Tập đoàn ngày 2/4/2011 tại Vũng Tàu, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Vũ Quang Nam cho biết, hoạt động dịch vụ của Petrovietnam trong những năm qua có bước phát triển đáng kể, đóng góp vào tăng trưởng của Tập đoàn. Đặc biệt kể từ sau khi triển khai Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ Tập đoàn vào tháng 3/2009, hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí của Petrovietnam đã có bước đột phá quan trọng. Doanh thu từ dịch vụ của tập đoàn trong năm 2009 và năm 2010 đều đạt mức tăng trưởng cao (58% so với năm trước đó). Riêng năm 2010, doanh thu từ dịch vụ đạt 152,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 32% trong tổng doanh thu của Tập đoàn.

Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ truyền thống, Tập đoàn đã phát triển được nhiều sản phẩm dịch vụ mới, như: thực hiện EPC các công trình dầu khí, đóng mới giàn khoan, bảo dưỡng và vận hành các công trình dầu khí, đóng mới và sửa chữa phương tiện nổi… Đồng thời, nhiều đơn vị dịch vụ của Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai mở rộng dịch vụ dầu khí ra nước ngoài như: PTSC, PVD, PVC, PVI..., uy tín và thương hiệu của các đơn vị này đang ngày càng được khẳng định. 

Tập đoàn cũng đã xây dựng được đội ngũ những người làm công tác dịch vụ dầu khí có chất lượng và trình độ chuyên môn cao, thực hiện được những công trình trước đây phải thuê nhà thầu nước ngoài thực hiện, như: Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, đường ống khí PM3 Cà Mau, các giàn khai thác dầu khí… Nhờ vậy, dịch vụ thuê nước ngoài trong 2 năm qua đã giảm mạnh.

Do hoạt động dịch vụ phát triển mạnh và đồng bộ, Tập đoàn đã chủ động hơn trong việc thực hiện tiến độ các dự án đầu tư. Đặc biệt, việc Tập đoàn đầu tư và đưa tàu địa chấn 2D vào hoạt động và tự tổ chức khảo sát trên thềm lục địa Việt Nam (trước đây công việc này phải thuê các tàu dịch vụ nước ngoài) đã tạo chủ động cho Tập đoàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Sự phát triển của các đơn vị dịch vụ trong hai năm qua đã giúp Petrovietnam giảm mạnh chi phí thuê dịch vụ nước ngoài, ngăn ngừa nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài, góp phần quan trọng cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu. Nhờ đẩy mạnh dịch vụ trong ngành, Tập đoàn đã tiết kiệm được 2,67 tỷ USD trong năm 2009 và 6,2 tỷ USD trong năm 2010 chi phí thuê dịch vụ từ các đơn vị nước ngoài.

Mục tiêu phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài

Thời gian tới, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ dầu khí sẽ ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, yêu cầu về mức độ phức tạp và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngày càng cao. Điều này đòi hỏi các đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí phải nâng cao năng lực sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn trong việc thực hiện các dịch vụ dầu khí.

Ông Đinh La Thăng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam- khẳng định, Petrovietnam xác định mục tiêu tăng trưởng dịch vụ dầu khí năm 2011 cao hơn năm 2010, và đến năm 2015, doanh thu dịch vụ đạt 35% tổng doanh thu, cao hơn 5% so với mục tiêu chiến lược đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đặc biệt, Petrovietnam quyết tâm đẩy mạnh phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, trước mắt là tập trung thực hiện dịch vụ cho các dự án của Tập đoàn đầu tư ở nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, Petrovietnam đã đưa ra nhiều giải pháp như yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ tái cơ cấu lại các nguồn lực theo hướng tập trung chuyên sâu vào các ngành nghề chính, bảo đảm không có sự chồng chéo, quy hoạch lại để khai thác hiệu quả tối đa cơ sở vật chất của từng đơn vị; các đơn vị dịch vụ phải phối hợp với nhau để tăng cường năng lực, thực hiện trọn gói những yêu cầu dịch vụ; từng đơn vị dịch vụ phải đầu tư cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ, thiết bị và công nghệ dịch vụ, cải tiến phương pháp quản lý, để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời chủ động tìm kiếm, thực hiện các dịch vụ phù hợp với năng lực của đơn vị.

Trong 3 tháng đầu năm 2011, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ dầu khí đạt 45 ngàn tỷ đồng trong tổng doanh thu 151 ngàn tỷ đồng của toàn Tập đoàn. Ông Thăng nhấn mạnh, năm 2011 này, Tập đoàn quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 20% so với năm trước, phấn đấu đạt 200 ngàn tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ dầu khí.

Theo Kim Liên - Thanh Hà Thúy, Báo Công thương

Bài viết liên quan