Tham gia hội thảo có đồng chí Phùng Đình Thực, Chủ tịch hội đồng thành viên PVN. Hai đồng chí phó tổng giám đốc PVN là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn và ông Nguyễn Quốc Thập đồng chủ trì hội thảo. Thông qua 7 tham luận của các công ty thành viên, hội thảo đã góp phần gắn kết các thành viên trong PVN nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cùng đề ra giải pháp tốt nhất, tiết kiệm nhất trong thu hồi dầu.
Ngoài công tác tổng hợp tình hình thu hồi dầu hiện tại, Hội thảo tiếp tục tìm kiếm biện pháp nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu, phương pháp cơ bản được thế giới áp dụng: Bơm ép khí, bơm ép hóa chất hay sử dụng nhiệt… còn ở Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nâng cao thu hồi dầu: bơm ép thử nghiệm chất hoạt động bề mặt, vi sinh, hóa lý tại đối tượng cát kết mỏ Bạch Hổ. Đồng thời các chuyên gia của PVN đang nghiên cứu các biện pháp nâng cao thu hồi dầu: Phân tích, nghiên cứu khả năng bơm ép CO2 cho đối tượng cát kết mỏ Rạng Đông; bơm ép polymer cho đối tượng cát kết và đối tượng móng mỏ Bạch Hổ, bơm ép nước và khí hydrocarbon luân phiên tầng Miocene mỏ Bạch Hổ, mỏ Rạng Đông…
Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên không thể áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng các mỏ có trữ lượng tương đối lớn; các mỏ đang khai thác giai đoạn suy giảm sản lượng; các tầng sản phẩm: Miocene, Oligocene, Móng. Bên cạnh đó, PVN tiếp tục thử nghiệm các phương pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu: Bơm nén khí hydrocarbon, CO2; sử dụng chất polymer, chất hoạt động bề mặt; vi sinh hóa lý.
Trong quá trình vừa làm vừa nghiên cứu tìm kiếm phương pháp mới, các thành viên của PVN đã đạt được những kết quả trong đánh giá tình hình khai thác, trữ lượng và hệ số thu hồi dầu. Bên cạnh 34 mỏ dầu, khí đang khai thác (30 trong nước, 4 ngoài nước), PVN tiếp tục triển khai 16 mỏ đang trong giai đoạn phát triển. Sản lượng khai thác trung bình ngày là 315 nghìn thùng dầu trong nước và 21 nghìn thùng dầu ở nước ngoài; bên cạnh đó, lượng khí mỗi ngày được chuyển về đất liền là 1 tỷ bộ khối.
Các mỏ dầu đang khai thác ở thềm lục địa Việt Nam đều được phát triển và khai thác trong đá chứa cát kết thuộc địa tầng Miocen, Oligocen; đá móng phong hóa nứt nẻ trước Đệ Tam là đối tượng khai thác chính ở các mỏ: Bạch Hổ, Rạng Đông…
Hầu hết các mỏ dầu đã được thiết kế khai thác ban đầu theo chế độ năng lượng tự nhiên đàn hồi của dầu và khí hòa tan. Để nâng cao hệ số thu hồi dầu, mỏ Bạch Hổ đã áp dụng giải pháp bơm ép nước duy trì áp suất vỉa ở cả hai đối tượng cát kết Miocen, Oligocene và đặc biệt móng nứt nẻ trước Đệ Tam. Công nghệ khai thác thứ cấp – bơm ép nước đã cho phép gia tăng đáng kể thu hồi dầu so với khai thác sơ cấp đơn thuần chỉ sử dụng năng lượng tự nhiên của vỉa nên đạt được kết quả khả quan trong quá trình thu hồi dầu.
Theo petrotimes.vn