Tin Tập đoàn

PVN: Tiên phong thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Là một Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc Tập đoàn xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với nhiều nội dung quan trọng. Là một Tập đoàn kinh tế đầu tầu của đất nước, PVN đã có những giải pháp gì để triển khai Nghị quyết này ?

Ông Phùng Đình Thực: Tôi xin khẳng định, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam luôn chủ động thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quán triệt đến toàn thể cán bộ, CNVCLĐ toàn ngành. Những kết quả sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nói lên được điều đó.

TSKH Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ “về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011”, với trách nhiệm là Tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn xây dựng và tập trung thực hiện Chương trình hành động của Tập đoàn với 07 nhóm giải pháp chủ yếu:Tập trung toàn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (xăng dầu, đạm, khí hoá lỏng);Thực hiện đầu tư theo trọng điểm, tập trung mọi nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong năm 2011; Thực hiện huy động và quản lý sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả;Tích cực thực hiện công tác đổi mới và tái cấu trúc doanh nghiệp; Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội;Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí.

 Đến thời điểm này, PVN đã thực hiện rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 64 dự án với tổng trị giá 6.600 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với kế hoạch đầu tư năm 2011; trong đó 19 dự án bị đình hoãn và 45 dự án giãn tiến độ.

 Đây là kết quả bước đầu của việc rà soát kỹ lưỡng hàng trăm dự án khác nhau mà PVN và các đơn vị thành viên đang triển khai. Đó là các dự án của các đơn vị thành viên chưa cấp thiết hoặc chưa thu xếp được vốn đầu tư do lãi suất vay vốn tăng cao so với dự kiến. Các dự án này gồm: Các dự án mua trụ sở của Tổng Công ty kỹ thuật và dịch vụ dầu khí (PTSC), Công ty Giám định Năng lượng (PVEIC) tại Hà Nội, các dự án phụ trợ và các dự án phát triển sản phẩm dịch vụ như dự án sản xuất cửa nhựa lõi thép nhôm kính của PVC-IC.

 Tuy nhiên, PVN không thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ các dự án thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là thăm dò khai thác chế biến dầu khí, các dự án điện thuộc Tổng Sơ đồ điện 6 bởi đây là các dự án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt để đảm bảo bổ sung nguồn điện cho hệ thống.

 Với những quyết tâm và nỗ lực của toàn thể cán bộ CNVC toàn Tập đoàn thực hiện Nghị quyết đã cho những kết quả bước đầu khá tốt, hoàn thành toàn diện và vượt tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 02 tháng đầu năm 2011 và có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2010. Doanh thu 02 tháng đầu năm 2011 đạt 95 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2010, nộp ngân sách Nhà nước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ 2010).

Rà soát, đẩy mạnh xây dựng các công trình trọng điểm về Dầu khí

PV: Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội và là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của đất nước, ông có thể cho biết kết quả cụ thể trong năm 2010 của PVN trong việc thực hiện nhiệm vụ này ?

Ông Phùng Đình Thực:Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước, các sản phẩm sản xuất và nguồn thu từ các hoạt động của Tập đoàn cho ngân sách nhà nước trong những năm qua có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đồng thời là một trong những công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Riêng trong năm 2010: giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn tăng 43% so với năm 2009 đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP của cả nước; thu ngoại tệ từ xuất bán dầu thô đạt trên 9 tỷ USD (tương đương 13% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) và cân đối hiệu quả nguồn dầu thô là nguyên liệu đầu vào của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để sản xuất cung cấp gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước đã góp phần quan trọng cùng Chính phủ kiềm chế nhập siêu và bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; cung cấp khí cho các nhà máy điện sản xuất 48% sản lượng điện sản xuất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 800 nghìn tấn phân Urê (chiếm gần 50% nhu cầu phân Ure của cả nước), góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường phân đạm và đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước…

Song song với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các nhiệm chính trị Đảng và Chính phủ giao, công tác an sinh xã hội, chia sẻ với cộng đồng luôn được các cấp ủy, lãnh đạo, công đoàn, đoàn thanh niên trong Tập đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên và được toàn thể CBCNV tích cực hưởng ứng. Trong năm 2010, Tập đoàn đã hỗ trợ xây dựng 14.292 Nhà đại đoàn kết với số tiền 102 tỷ đồng; hỗ trợ giáo dục và xây dựng 27 trường học với số tiền trên 126 tỷ đồng; hỗ trợ y tế và xây dựng bệnh viện gần 23 tỷ đồng; xây dựng các chương trình biển đảo 180 tỷ đồng hỗ trợ khác phục bão lũ và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác là 102 tỷ đồng…; tổng số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội 2010 trên 715 tỷ đồng, bằng 143% so với số tiền cam kết cả năm 2010 (500 tỷ đồng); đặc biệt là công trình năng lượng sạch tái tạo (gió, mặt trời) phục vụ nhân dân, chiến sỹ sống và sinh hoạt tại Quần đảo Trướng Sa. Tính chung 5 năm 2006- 2010 tổng số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội của Tập đoàn trên 1.880 tỷ đồng.

PV: Là Tập đoàn trực tiếp có các đơn vị khai thác, chế biến và kinh doanh xăng dầu, điện, PVN chịu sự ảnh hưởng như thế nào trước những biến động về giá cả các loại mặt hàng xăng dầu, điện trong thời gian qua ?

Ông Phùng Đình Thực: Trong tháng 2/2011, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu trong nước; sự điều chỉnh đó là đầy đủ và cần thiết để tiếp cận giá thị trường và hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

 

PVN luôn có mặt kịp thời giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt

 Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có một số tác động là: về sản xuất: đầu vào của chi phí sản xuất tăng; về kinh doanh: nguồn thu cho Tập đoàn cao hơn sẽ có tác động tích cực đến GDP và thu ngân sách nhà nước; về đầu tư: việc kêu gọi đầu tư vào các dự án khai thác, chế biến dầu khí và sản xuất điện của Tập đoàn sẽ thuận lợi hơn (do các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn). Tuy nhiên, sự tác động cộng hưởng tác động phụ từ việc tăng giá xăng dầu và giá điện sẽ kéo theo giá vật tư thiết bị để thực hiện dự án cũng sẽ tăng, làm tăng tổng mức đầu tư dự án, điều này sẽ làm tăng sức ép cho các nhà đầu tư… Hiện nay, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang triển khai thực hiện những giải pháp hạn chế tối đa những tác động không tích cực để phát triển hiệu quả và bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Báo điện tử ĐCSVN

Bài viết liên quan