Kể từ thời điểm Kết luận thanh tra tại PVN được công bố trong buổi họp báo công tác quý I/2012 của Thanh tra Chính phủ, rất nhiều ý kiến xung quanh nội dung bản Kết luận này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy vậy, có nhiều nội dung kết luận thanh tra đã bị trích dẫn chưa đầy đủ nên dẫn tới hiểu lầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của đối tượng thanh tra mà trường hợp của PVN là một điển hình.
Thậm chí, nhiều lần đại diện Thanh tra Chính phủ đã khẳng định, những vấn đề nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại PVN chỉ là chưa đúng quy trình thủ tục hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện chứ không phải thất thoát nhưng vẫn không được nhiều cơ quan thông tấn báo chí ghi nhận.
Trong buổi họp báo sáng nay, trước câu hỏi về việc thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại PVN, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản khẳng định: Tính đến thời điểm này, PVN đã cơ bản khắc phục những thiếu sót mà Kết luận thanh tra nêu ra. Cụ thể:
Về khoản tiền 1.922 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa: Cho đến ngày 10/4/2012, PVN đã hoàn thành nộp số tiền 1.903 tỷ đồng theo quy định. Số còn lại, PVN đang tiếp tục đôn đốc yêu cầu các đơn vị nộp về Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Với việc sử dụng 15.601 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí: Tại thời điểm thanh tra, PVN chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng về việc sử dụng nguồn lãi dầu khí để lại PVN để đầu tư góp vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, đến ngày 14/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1786/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí trọng điểm được phép sử dụng tiền lãi dầu khí Nhà nước để lại cho PVN.
“Như vậy, số tiền 15.601 tỉ đồng này đã được PVN sử dụng phù hợp với tiêu chí được Thủ tướng ban hành theo Quyết định 1786/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản nói.
Còn đối với các khoản đầu xây dựng Trường PTTH Đất Mũi, xây dựng Trường Mẫu giáo Trà My – Vũng Tàu: Tính đến tháng 4/2012, PVN đã thực hiện điều chỉnh từ Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo về nguồn kinh phí an sinh xã hội của PVN.
Về việc ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hậu Giang với số tiền 622 tỉ đồng thì: Trước đây, tất cả các chương trình ngoài hành rào của PVN thì nguồn kinh phí xây dựng sẽ do địa phương phải lo nhưng vì điều kiện tại các địa phương như Quảng Ngãi, Cà Mau,… còn nghèo nên rất khó thực hiện. Tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc làm này là không đúng. Nhưng hiện nay, PVN đã có báo với Thủ tướng đề nghị dùng ngân sách Nhà nước chứ chờ đợi địa phương thì không thể giải quyết được vấn đề.
Và đến ngày 8/12/2011, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, đề nghị PVN và UBND các tỉnh đó thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính là thực hiện việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đưa vào theo kế hoạch 2012 cho những dự án này. Như vậy, vấn đề này đã được PVN giải quyết xong. Tức là trước đây, vốn là vốn của PVN ứng cho các địa phương triển khai dự án, nhưng bây giờ, khi các địa phương không có khả năng hoàn trả nên đã phải báo Thủ tướng và Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính xem xét, đề xuất và đã bố trí vào kết hoạch ngân sách 2012 để hoàn cho vốn cho PVN.
“Mấy địa phương này cũng nghèo, vì vậy, PVN muốn làm nhanh thì phải ứng vốn để thực hiện và bây giờ Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn ngân sách để hoàn trả cho PVN”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản nói thêm.
Ngoài ra, 5 vấn đề còn lại trong Kết luận thanh tra, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định: Đó không phải là vấn đề quá lớn và đã cơ bản được PVN khắc phục xong.
Nói như vậy để thấy rằng, tại thời điểm thanh tra và thời điểm kết luận thanh được công bố, một số nội dung được cho là thiếu sót hay chưa đúng về quy trình thủ tục đã được PVN khắc phục cũng như điều chỉnh theo những văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Theo petrotimes.vn