Đánh giá cao những thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) và nguồn vốn tri thức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tin rằng, Petrovietnam sẽ làm tốt vai trò tiên phong của một Tập đoàn kinh tế then chốt của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Sự trưởng thành KHCN của Petrovietnam có thể nhìn thấy rõ nhất qua quá trình thăm dò khai thác ở những địa hình phức tạp
Dầu khí là một trong những ngành ứng dụng KHCN sớm nhất Việt Nam. Bước đi đầu tiên từ những năm đầu khởi tạo ngành, Việt Nam cử cán bộ dầu khí sang các nước phát triển về lĩnh vực này (Nga, Pháp, Hungary, Rumani…) để học tập, tiếp thu kỹ thuật địa chấn ghi số về nước, sau đó áp dụng vào tìm kiếm những cấu trúc có triển vọng khai thác một cách chính xác nhất.
Từ việc sớm áp dụng KHCN, kỹ thuật khai thác dầu khí của Việt Nam đã trải qua một quá trình tích lũy, hòa nhập với công nghệ tiên tiến thế giới và tìm cách vươn lên, đi trước. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã kế thừa và phát triển nhiều thành tựu KHCN dầu khí, được Đảng và Nhà nước trao tặng các giải thưởng cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN cho các công trình, cụm công trình nghiên cứu và các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp to lớn trong hoạt động của ngành.
Nhận định KHCN là một trong các giải pháp quan trọng để Petrovietnam thực hiện thành công chiến lược phát triển Tập đoàn thời gian qua, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những trao đổi với PV về nội dung này.
PV: Ông đánh giá thế nào về quá trình tích lũy KHCN của Petrovietnam từ khi thành lập đến nay để hoàn thành vai trò đóng góp vào ngành công nghiệp năng lượng đất nước?
PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước xác định từ sớm, thông qua hình thành đội ngũ nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ngành dầu khí Việt Nam sớm tiếp nhận KHCN tiên tiến trên thế giới từ Liên Xô (Nga) và các nước phát triển về dầu khí vào phát triển một lĩnh vực mới tại thời điểm đó.
Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ tâm huyết với nghề, đó là tiền đề để dầu khí phát triển xứng tầm với tiềm năng của Việt Nam. Điều này được chứng minh ở sự đóng góp vào tăng trưởng đất nước của ngành trong suốt thời gian dài, cao điểm nhất lên tới 25 - 30% tổng thu ngân sách cả nước.
Bên cạnh đó, các thành tựu KHCN còn giúp Petrovietnam làm tốt vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng được tổ hợp lọc hóa dầu đầu tiên ở Dung Quất. Đây là bước tiến của dầu khí Việt Nam từ khai thác thô đến chế biến, phát triển ra nhiều ngành liên quan: nhựa, phân bón…
Không những là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng mũi nhọn mà dầu khí còn thực hiện đa chức năng phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, qua đó, khẳng định vị thế vững vàng trong nền kinh tế quốc dân.
Do đặc thù nên yêu cầu ứng dụng KHCN của ngành dầu khí đòi hỏi rất cao, không giống các ngành nghề khác. Từng khâu (thăm dò, khai thác, dự trữ, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu tạo nên một tổ hợp đa ngành); từng lĩnh vực (địa chất, hóa sinh, cơ khí) đều đòi hỏi phải có KHCN, thậm chí là những ứng dụng tiên tiến nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực nắm bắt các xu hướng KHCN mới trên thế giới cũng như tự thân nghiên cứu các thành tựu phù hợp riêng với mình.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Petrovietnam cần phát huy các nguồn lực đã có và biến KHCN thành động lực phát triển để đáp ứng yêu cầu mới của thời đại
Đầu tư cho KHCN của ngành cũng luôn được chú trọng ở mức lớn, tiêu biểu là Viện Dầu khí Việt Nam. Không phải tập đoàn kinh tế nào cũng có một viện nghiên cứu riêng, điều này thể hiện tầm nhìn và sự đầu tư xứng đáng của Petrovietnam cho ngành.
Sự trưởng thành KHCN của Petrovietnam có thể nhìn thấy rõ nhất qua quá trình thăm dò khai thác ở những địa hình phức tạp, độ sâu lớn, hiểm trở và chuyển từ khai thác xuất thô sang chế biến đi cùng phát triển đa dạng các sản phẩm.
Tôi đã có dịp thăm phòng trưng bày các thành tựu dầu khí của Petrovietnam và thấy rằng nơi đây thể hiện rất rõ những ứng dụng KHCN cũng như các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN mà Petrovietnam đã làm được. Tôi đánh giá cao hướng đi và kết quả hiện nay của Tập đoàn.
Quá trình tích lũy KHCN đã tạo ra nguồn vốn lớn cho Petrovietnam về tiềm lực tri thức. KHCN đã giải quyết những vấn đề đặt ra cho ngành. Đương nhiên so với sự phát triển của đất nước và nhịp độ phát triển nhanh như hiện nay của thế giới, đòi hỏi Petrovietnam cần bắt kịp, đuổi nhanh và vượt lên để nắm bắt cơ hội, giải quyết thách thức mới.
Sự thay đổi này đòi hỏi về cả cách thức quản trị và thích ứng KHCN, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Những yêu cầu mới đòi hỏi tư duy KHCN của ngành dầu khí cần đột phá hơn nữa, với những bước đi mới, bởi có thể cách làm trước đây mang lại kết quả nhưng giờ đã bị giới hạn.
PV: Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đang được đẩy mạnh, theo ông, Petrovietnam cần tập trung nghiên cứu, phát triển KHCN theo những định hướng lớn nào?
Trữ lượng dầu khí là hữu hạn, tiềm năng thăm dò khai thác ngày càng thách thức, đặt ra yêu cầu hướng đi mới cho Petrovietnam. Đặc biệt là ở khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với các biến động liên quan trực tiếp tới tài nguyên dầu khí như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày.
Những yêu câu này đòi hỏi tầm nhìn mới đưa ngành dầu khí đứng trước một cuộc cách mạng. Giai đoạn nguồn tài nguyên dồi dào dễ khai thác đang qua đi, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước bối cảnh chuyển dịch năng lượng, ngành dầu khí cần tự cải tổ mình, chủ động tham gia quá trình chuyển dịch này. Điều này đồng nghĩa với việc Petrovietnam đang đứng trước các nhiệm vụ mới về nghiên cứu và ứng dụng KHCN, cần kế thừa những thành tựu đã có và đổi mới sáng tạo những yếu tố mới.
Đặt phát triển KHCN gắn với chiến lược trong cuộc cách mạng cải tổ ngành để giải quyết những thách thức mới
KHCN là một yếu tố quan trọng từ những ngày đầu hình thành ngành, trong thời gian tới, Petrovietnam cần phát triển KHCN gắn với chiến lược, đặt trong cuộc cách mạng cải tổ ngành, coi đây là phương thức chủ yếu để hoàn thành công cuộc cải tổ này.
Trong đó, ngành dầu khí cần phát huy được các nguồn lực đã có và biến KHCN thành động lực phát triển. Về mặt tư duy, thứ nhất, chính sách KHCN cần gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi ngành tham gia các lĩnh vực mới, không chỉ ở nguồn thiên nhiên sẵn có mà cả các năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Thứ hai, định hướng tập trung vào các lĩnh vực mới làm chủ công nghệ. Muốn bất kỳ một ngành nào đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà với quốc tế cần đi vào những công nghệ mũi nhọn, công nghệ nền để không bị tụt hậu, bắt kịp và vượt lên. Hiện thế giới ở cách mạng công nghệ 4.0 có tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…, ngành dầu khí Việt Nam cũng cần thích ứng và ứng dụng những thành tựu khoa học nhân loại vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh ứng dụng đầy đủ những gì thế giới đang có, Petrovietnam cần tạo ra những công nghệ nền cho ngành. Thế giới chỉ có mấy chục nước sở hữu tài nguyên dầu khí, Việt Nam nếu có thể làm chủ công nghệ sẽ giảm sự phụ thuộc, vươn lên thế chủ động trong các hợp tác quốc tế, giảm gia công thô, tăng giá trị.
Đây là thách thức lớn nhưng buộc Petrovietnam phải quyết tâm làm được thông qua đầu tư nguồn lực thích đáng cho KHCN. Điểm đáng mừng là Tập đoàn đã dành nguồn tài chính dành cho Quỹ KHCN, doanh thu của Petrovietnam rất lớn, Nhà nước luôn khuyến khích Tập đoàn đầu tư thỏa đáng cho KHCN, thậm chí lớn hơn tỷ lệ trung bình của các lĩnh vực khác.
PV: Petrovietnam xác định “Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, tài nguyên khoa học công nghệ, tri thức là vô hạn của Tập đoàn”, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: Quan điểm của Petrovietnam nằm trong chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi tái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta đã hết giai đoạn phát triển theo chiều rộng dựa trên tài nguyên thiên nhiên, người lao động giá rẻ, chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Đối với các ngành như dầu khí thì yêu cầu này càng cấp thiết, bởi đây vốn là một ngành tự thân đòi hỏi phải dựa trên KHCN.
Do đó, đầu tư cho nguồn lực tri thức, KHCN mang tính quyết định, có ý nghĩa sống còn cho năng lực cạnh tranh của ngành. Quan điểm của Tập đoàn là hoàn toàn xác đáng, cần được hiện thực hóa trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Quan điểm đó cần cụ thể hóa thông qua việc xác định được những lĩnh vực then chốt ưu tiên, gắn KHCN với chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới, dành những nguồn lực đầu tư thỏa đáng và đào tạo đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới. Đội ngũ cán bộ trẻ sẽ tiếp thu tốt những thành tựu công nghệ mới nhất của thế giới và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các công đoạn, các lĩnh vực của ngành, nhất là với năng lượng tái tạo – chúng ta còn đang thiếu kinh nghiệm, nguồn lực, quản trị và công nghệ.
Với tầm nhìn chiến lược, tôi tin rằng ngành Petrovietnam sẽ làm tốt được vai trò tiên phong của một Tập đoàn kinh tế then chốt trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.
Theo pvn.vn