Ngày 7/3, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Petrovietnam và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP).
Lễ ký kết được tổ chức dưới sự chứng kiến của ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.
Tham dự buổi lễ, về phía Petrovietnam có ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV; ông Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam; đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.
Về phía CIP có ông Robert Helms - Thành viên Hội đồng quản trị; ông Stuart Livesey - Tổng Giám đốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo CIP tại Việt Nam.
Ông Phan Tử Giang – Phó Tổng iám đốc Petrovietnam cùng ông Robert Helms - Thành viên Hội đồng quản trị CIP ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petrovietnam và CIP.
Biên bản ghi nhớ đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và tập đoàn đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, trong đó tận dụng thế mạnh của mỗi bên để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã đặt ra, thông qua việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo với trọng tâm là điện gió ngoài khơi.
Biên bản ghi nhớ được ký kết với sự chứng kiến của lãnh đạo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, lãnh đạo Petrovietnam và CIP.
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, Petrovietnam và CIP sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, thông tin về chuyển đổi năng lượng từ dầu khí sang năng lượng tái tạo, với các chủ đề cụ thể như công nghệ, chuỗi cung ứng, hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuyên môn kỹ thuật... Tập đoàn CIP sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo về các loại hình năng lượng tái tạo mới như công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Amoniac, Hydro xanh...), nguồn điện dự trữ, đảo năng lượng... Bên cạnh đó, Petrovietnam và CIP cũng sẽ nghiên cứu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz khẳng định, hai nước Việt Nam và Đan Mạnh đã có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối và khuyến khích các công ty Đan Mạch tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Các nhà đầu tư Đan Mạch cũng sẵn sàng đầu tư lớn vào các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam để cung cấp điện và giảm phát thải CO2.
Ông Bùi Minh Tiến – Thành viên HĐTV Petrovietnam trao tặng ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch món quà lưu niệm nhân buổi lễ ký kết.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz mong rằng sự hợp tác của Petrovietnam và CIP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ mang đến những kết quả cụ thể và đạt được thành công như kỳ vọng. Việc hợp tác của hai đơn vị cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang phát biểu tại lễ ký kết.
Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang bày tỏ sự vui mừng khi buổi Lễ ký kết có sự hiện diện của ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và các vị khách quý. Ông Phan Tử Giang mong rằng, thông qua sự kiện này, việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Đại sứ quán với Petrovietnam và CIP sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang cho biết: Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động bất lợi đến biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm ô nhiễm môi trường, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Petrovietnam. Trước những biến động của thị trường, nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, với tư cách là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Petrovietnam cũng đã và đang tích cực lên kế hoạch và lộ trình thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang tin tưởng với thế mạnh của mỗi bên, việc hợp tác giữa CIP và Petrovietnam sẽ đạt được thành quả trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tích hợp công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị CIP phát biểu tại lễ ký kết.
Ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn CIP cho biết: “Chúng tôi tự hào về các dự án mà CIP là đơn vị tiên phong phát triển tại Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các quốc gia khác. Từ dự án điện gió ngoài khơi Vineyard Wind 1 công suất 800MW đầu tiên ở Hoa Kỳ, hai dự án điện gió ngoài khơi đang được xây dựng tại Đài Loan với tổng công suất 900MW dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024, đến dự án VindØ – hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới đặt tại ngoài khơi Đan Mạch, CIP luôn là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng sạch trên toàn cầu”.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang trao tặng ông Robert Helms món quà lưu niệm nhân buổi lễ ký kết.
Ông Robert Helms cho biết thêm: “Chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển và xây dựng các dự án năng lượng gió ngoài khơi quốc tế, bổ trợ cho kinh nghiệm và năng lực vững chắc trong các dự án năng lượng ngoài khơi của Petrovietnam. Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn hợp tác với Petrovietnam nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, tạo dựng tiền đề hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phục vụ các dự án tương tự trong tương lai.
Giới thiệu về Petrovietnam Petrovietnam là tập đoàn dầu khí quốc gia của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm dầu khí và năng lượng tái tạo. Với hơn 60 năm hoạt động, Petrovietnam đã phát triển một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi khép kín các hoạt động từ tìm kiếm – thăm dò – khai thác đến tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: tìm kiếm-thăm dò-khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Tập đoàn đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, hội nhập quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 2019, Petrovietnam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển dịch năng lượng. Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng với việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Petrovietnam đã tiến hành xây dưng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam, chuyển dịch từ tập đoàn dầu khí thành tập đoàn năng lượng, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Giới thiệu về Copenhagen Infrastructure Partners Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) được thành lập vào năm 2012, hiện là nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới, đồng thời là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Cụ thể, CIP đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, truyền tải và phân phối nguồn điện, nguồn điện dự trữ, điện tích năng, điện nhiên liệu sinh học tiên tiến và công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Pin, Amoniac, Hydro xanh...). CIP hiện đang quản lý 12 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động khoảng 30 tỷ USD. CIP đã đầu tư và phát triển danh mục dự án năng lượng tái tạo dẫn đầu thị trường với tổng công suất khoảng 120GW với đa dạng loại năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, gần một nửa danh mục dự án cho CIP phát triển (tương ứng khoảng 60GW) là điện gió ngoài khơi. |
Theo pvn.vn