Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia).
Trong đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
PTSC, đơn vị thành viên của Petrovietnam triển khai các dịch vụ kỹ thuật về điện gió ngoài khơi cho khách hàng nước ngoài.
Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực.
Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm các phân ngành: Dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng và các hoạt động khác có liên quan.
Các Quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ được tích hợp vào Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm: Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí, Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí, Quy hoạch phát triển ngành Than, Quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ không được tiếp tục thực hiện như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 - Luật Quy hoạch.
Toàn bộ các dự án đầu tư về năng lượng được sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Các đề án về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện được sử dụng vốn đầu tư công.
Phân ngành Dầu khí gồm các lĩnh vực sau: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.
Phân ngành Than bao gồm các đề án/dự án: Thăm dò than; Khai thác than; Sàng tuyển, chế biến than; Hạ tầng phục vụ phát triển ngành than (bao gồm cảng xuất, nhập than và các dự án hạ tầng khác); Đóng cửa mỏ.
Phân ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo được định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,...) để sản xuất các loại năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
Phân ngành Điện thì được thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Dự kiến nhu cầu về đất đai thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030 khoảng 93,5-97,2 nghìn ha; đến năm 2050 khoảng 197 nghìn ha. Diện tích mặt biển cho các công trình ngoài khơi đến năm 2030 khoảng 344,8 nghìn ha; đến năm 2050 khoảng 1,7 triệu ha.
Vốn đầu tư cho các dự án ngành năng lượng giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 4,8 triệu tỷ đồng.
Trong kế hoạch, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chủ động xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch phát triển của Tập đoàn phù hợp với kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia đã được phê duyệt; tăng cường huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm dầu khí; thúc đẩy các dự án năng lượng được giao;
Phối hợp với các nhà thầu dầu khí để có phương án khai thác tối ưu các nguồn dầu khí từ các mỏ Lô B, Cá Voi Xanh,... cũng như các dự án cơ sở hạ tầng thuộc lĩnh vực dầu khí đã được quy hoạch, bao gồm dự án Kho cảng nhập khẩu LNG;
Tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn dầu và khí trong nước để cung cấp cho các ngành công nghiệp; Nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi các cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư.