Tin Tập đoàn

Nếu PVN khó khăn thì Thái Bình cũng khó khăn

Nhấn mạnh Thái Bình là “cái nôi” của ngành Dầu khí và ngành Dầu khí đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca cho rằng: Tác động của PVN đối với kinh tế Thái Bình là hết sức quan trọng. Nếu Tập đoàn khó khăn thì tỉnh cũng hết sức khó khăn...

Ngày 6/10, trong chuyến công tác và làm việc với Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 để triển khai Nghị quyết liên tịch về việc triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và lãnh đạo một số sở, ngành, chính quyền địa phương.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Thái Bình có ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường... và lãnh đạo một số địa phương của tỉnh.

Về phía PVN có Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn; Thành viên HĐTV Nguyễn Tiến Vinh; Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Trần Quang Dũng; lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) cùng đại diện một số ban chuyên môn của Tập đoàn.

neu pvn kho khan thi thai binh cung kho khan
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn (bên trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca trao đổi về định hướng phối hợp giữa PVN và tỉnh Thái Bình trong việc triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo PVN, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã thông tin đến lãnh đạo tỉnh Thái Bình mục đích của chuyến công tác là nhằm triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, việc triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2 hiện đang hết sức khó khăn, cả về nhân sự lẫn tài chính..., đặc biệt là với nhà thầu chính PVC và các đơn vị thành viên tham gia xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 của PVC. Trong bối cảnh như vậy, sự hỗ trợ đối với PVC là hết sức cần thiết. Qua chuyến công tác, PVN muốn khẳng định quyết tâm bằng tất cả các nguồn lực, ý chí của tập thể lãnh đạo cùng tất cả các đơn vị của Tập đoàn sẽ vào cuộc hỗ trợ PVC triển khai dự án.

Với quyết tâm như vậy, PVN rất mong muốn các cấp chính quyền và lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của Tập đoàn, với PVC để cùng nhau đồng hành triển khai dự án với mục tiêu đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Ca bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, thách thức mà PVN đang phải đối diện, đồng thời thông báo, sau buổi làm việc với Ban Quản lý dự án mới đây, qua trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã thống nhất công việc phối hợp giữa địa phương với Tập đoàn.

Ông Phạm Văn Ca cũng bày tỏ sự vui mừng sau một thời gian có những biến động nhất định thì PVN đã có Nghị quyết, nỗ lực vượt lên khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ chung của Tập đoàn, trong đó có Dự án NMNĐ Thái Bình 2 khi đã xây dựng được một lộ trình, kế hoạch và từng bước triển khai dự án, đồng thời khẳng định, bằng sự tín nhiệm, trách nhiệm địa phương, các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình sẽ làm hết sức mình để cùng với PVN triển khai dự án. Tinh thần chung của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là đồng hành, chia sẻ với PVN.

neu pvn kho khan thi thai binh cung kho khan
Toàn cảnh buổi làm việc.

Ông Phạm Văn Ca cũng ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của PVN đối với sự phát triển của tỉnh qua các thời kỳ.

Theo đó, Thái Bình là “cái nôi” của ngành Dầu khí và các dự án mang tính trọng yếu của tỉnh đều do PVN đầu tư, nhiều dự án đã góp phần làm “sống lại” các khu công nghiệp, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực đầu tư khác của tỉnh phát triển. Chẳng hạn như dự án đưa khí từ ngoài khơi vào khu vực Tiền Hải đã làm “sống lại” cả một khu công nghiệp. Đây là khu vực trước kia sử dụng khí của mỏ D14 và Đồng Quan D, là các mỏ khí trên đất liền đã hoạt động 30 năm và sản lượng đã sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Cả khu công nghiệp phải đi nhập than về để hoá khí để làm sành sứ, gây ô nhiễm môi trường và nếu kéo dài thì buộc lòng tỉnh Thái Bình phải đóng cửa.

Việc PVN đưa khí ngoài khơi đã làm “sống lại” khu công nghiệp. Cũng nhờ nguồn khí ổn định, mới đây Viglacera đã quyết định đầu tư một khu công nghiệp có quy mô hơn 440ha tại Tiền Hải; Honda, Toyota cũng đã đầu tư vào khu vực này hơn 100 triệu USD; các doanh nghiệp sành sứ cũng mở rộng đầu tư...

Qua dẫn chứng trên, ông Ca khẳng định: Tác động của PVN đối với kinh tế Thái Bình là hết sức quan trọng. Nếu Tập đoàn khó khăn thì tỉnh cũng hết sức khó khăn... Cho nên tỉnh chia sẻ, rất mong mỏi và cam kết đồng hành với PVN, mong PVN sớm ổn định để đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước nói chung và kinh tế Thái Bình nói riêng.

Cũng tại buổi làm việc, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và lãnh đạo PVN đã tập trung thảo luận, tìm hướng xử lý một loạt các vấn đề xung quanh việc triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Những nội dung được hai bên thống nhất là tiền đề quan trọng, tạo dựng niềm tin để Dự án NMNĐ Thái Bình 2 hướng tới mục tiêu vận hành trong thời gian sớm nhất.

Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan

Tin tức mới