PV: Thưa đồng chí Chủ tịch Hội, những người lính, sau khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở về, đã hòa nhập môi trường dầu khí, một loại hình doanh nghiệp đặc thù như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Minh: Môi trường quân đội của chúng ta là một môi trường khá toàn diện, không chỉ rèn luyện cho người lính bản lĩnh chính trị, quân sự, đạo đức, tác phong mà còn cả kiến thức khoa học công nghệ, đặc biệt với những sĩ quan chuyên nghiệp. Quân đội muốn hùng mạnh, người lính phải được trang bị đầy đủ kiến thức mới có thể áp dụng kỹ thuật quân sự hiện đại, tiếp cận với khoa học quân sự mới trong tình hình thế giới biến đổi hàng ngày. Vì vậy, khi rời quân ngũ, rất nhiều “Anh bộ đội Cụ Hồ” đã hòa nhập thành công vào môi trường dầu khí của PVN. Với môi trường dầu khí, họ còn phải trang bị thêm kiến thức chuyên môn, quản lý, kinh doanh và cập nhật thông tin về thị trường. Tôi cho rằng, bản lĩnh được tôi luyện trong quân ngũ đã giúp họ lĩnh hội kiến thức mới có phần nhanh và chắc chắn hơn.
PV: Và bản lĩnh ấy dường như đã được thể hiện ngay từ thuở ngành Dầu khí ra đời, trở thành “duyên nghiệp” chưa bao giờ dứt, phải vậy không thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Minh: Chúng ta đã trải qua 2 cuộc chiến tranh để giành độc lập và thống nhất đất nước, sức mạnh và trí tuệ của chúng ta nằm ở quân đội và sau chiến thắng, ta bắt tay vào công cuộc xây dựng tái thiết đất nước, chính những người từng cầm súng ra trận giành chiến thắng lại là những người đi tiên phong. Ít người biết rằng, ngành Dầu khí Việt Nam có sự gắn bó kỳ diệu với những người lính, với quân đội. Những người làm dầu khí đầu tiên, bên cạnh các nhà khoa học, địa chất, kinh tế… chính là “bộ đội Cụ Hồ”. Theo lời kêu gọi của Bác, theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, những người lính lại đi đầu trong sự nghiệp tìm kiếm thăm dò dầu khí cho Tổ quốc, bởi công tác này gian nan khốc liệt, trường kỳ không thua kém gì chiến đấu trên chiến trường.
Vị Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí đầu tiên năm 1976 chính là Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Sau đó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí là Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Tư lệnh Quân đoàn I; các vị lãnh đạo ngành đầu tiên đều từ quân đội chuyển sang như Đại tá Phan Tử Quang, Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Đại tá Phạm Văn Diêu… Những người xây dựng Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, khu công nghiệp và căn cứ dịch vụ dầu khí đầu tiên cũng chính là những người lính của Sư đoàn 318 và một số đơn vị thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng tàu. Các đơn vị này đã đổ nhiều công sức cho việc rà phá bom mìn, nhổ sú vẹt, san lấp mặt bằng để xây dựng bến cảng, căn cứ dịch vụ cũng như các khu làm việc và sinh hoạt. Khi chọn lựa cán bộ trong quân đội sang làm dầu khí, tướng Đinh Đức Thiện yêu cầu ngoài phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, còn đòi hỏi phải có trình độ văn hóa, chuyên môn; đối với cán bộ cấp cao còn yêu cầu phải biết hai ngoại ngữ. Việc điều động cả Binh đoàn 318 của quân đội sang ngành Dầu khí cũng là một sáng tạo và quyết tâm cao. Những người lính vừa rời tay súng đã cầm ngay cuốc, xẻng để lao động cật lực, đổ mồ hôi có khi cả máu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho ngành Dầu khí.
PV: Trong một tập đoàn kinh tế kỹ thuật như PVN, vai trò của Hội CCB được thể hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Minh: Hầu hết những CCB khi gia nhập môi trường dầu khí đều là những người có chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, họ có thể tự tin bắt nhịp với công việc, nhiệm vụ mới. Cho đến nay, thực tế đã minh chứng rằng các CCB Dầu khí ngày càng có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và đóng góp nhiều tâm sức cho những thành tựu mà PVN đạt được trong những năm qua. Thí dụ, về quân số, ở Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro hiện nay lực lượng CCB và cựu quân nhân chiếm tới gần 30% tổng số CBCNV.
Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến thời điểm này đã khẳng định vai trò, vị trí là một tổ chức trong hệ thống chính trị, một đoàn thể hoạt động chính trị – xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn, là tổ chức đại diện cho ý chí của CCB, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất, gắn bó tình bạn chiến đấu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN, sau hơn 2 năm được thành lập, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng phát triển, kiện toàn về tổ chức, xây dựng và ban hành các quy chế, các chương trình hành động của các cấp Hội. Hội CCB các cấp trong Tập đoàn đã đoàn kết, tập hợp, động viên được các CCB, cựu quân nhân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát động các phong trào thi đua tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc phòng, tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Có thể nói, các CCB PVN đã hoạt động tích cực trong công tác sản xuất, kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như giáo dục tư tưởng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình của từng đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành nói chung.
PV: Và sắp tới, sau Đại hội này, tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy hơn nữa để xứng đáng với vị thế của Hội hiện nay trong ngành Dầu khí?
Đồng chí Nguyễn Văn Minh: Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiếp tục gìn giữ, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trung thành – đoàn kết – gương mẫu – đổi mới, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục tinh thần chủ động tiến công trên mặt trận mới: nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Các cấp Hội và hội viên luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động CBCNV người lao động thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nghị quyết của cấp ủy Đảng và chương trình hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – văn hóa của đơn vị. Ngoài ra, CCB tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Hội, đoàn kết giữa các thế hệ CCB, cựu quân nhân và CBCNV trong đơn vị; luôn nhiệt tình tham gia các cuộc vận động, chương trình, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa – xã hội của đơn vị.
Các cấp Hội còn tham mưu cho cấp ủy trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đóng góp sức lao động của mình cho thành công của đơn vị mình. Chủ động phối hợp với các bộ phận chức năng tham gia nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị kịp thời ban hành, sửa đổi một số chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của CBCNV.
Hội CCB PVN luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị xã hội khác trong công cuộc đổi mới, chiến lược tăng tốc phát triển của toàn Tập đoàn. Tin tưởng sâu sắc, lòng trung thành vô hạn, phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, đổi mới cùng tập thể người lao động PVN vượt qua các khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn. Ra sức xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ và vị thế của một tổ chức chính trị – xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của các thế hệ người lao động Dầu khí.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo petrotimes.vn