Ngày 18/3/1975, từ giếng khoan 61 (GK-61) đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã phát hiện dòng khí đầu tiên. Đây là mốc son quan trọng, mở ra triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí.
Cách đây 65 năm, ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm quan vùng mỏ dầu ở Baku thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan (Liên Xô cũ). Tại đây, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí, Người nói: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh”. Từ nguyện ước đó, ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 được thành lập, trở thành tổ chức đầu tiên của “những người đi tìm lửa”; ngày này trở thành Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Những năm 60 của thế kỉ trước, khi đất nước gặp vô vàn những khó khăn thiếu thốn, phải căng mình trên mặt trận kinh tế ở miền Bắc lẫn mặt trận giành độc lập ở miền Nam. Trong bối cảnh đó, yêu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng mới phục vụ phát triển kinh tế được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để phát triển công việc tìm kiếm thăm dò dầu mỏ và khí đốt, Liên đoàn Địa chất 36 được thành lập trên cơ sở Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36.
Chuẩn bị cho công tác khảo sát thăm dò địa chấn (ảnh tư liệu của Petrovietnam)
Trong giai đoạn 1961-1975, để có mỏ khí Tiền Hải “C”, Liên đoàn địa chất 36 đã thực hiện các hoạt động thăm dò bao gồm: Khảo sát từ hàng không, trọng lực, 332 km tuyến địa chấn khúc xạ, 2.116 km tuyến địa chấn phản xạ, 21 giếng khoan bản đồ, 25 giếng khoan cấu tạo và 21 giếng khoan thăm dò.
Giếng khoan số 100 là giếng khoan sâu đầu tiên của Việt Nam, thời gian khoan từ tháng 9/1970 đến tháng 12/1971, độ sâu của Giếng khoan là 3.303 m, vị trí khoan giếng khoan tại làng Khuốc, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đây là kỷ lục khoan sâu nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Giếng khoan 61 là giếng khoan phát hiện ra vỉa khí condensate đầu tiên tại Việt Nam trên cấu tạo mỏ khí Tiền Hải “C”, ở độ sâu 1.146-1.152 m với lưu lượng khai thác khoảng 100 nghìn m3/ngày đêm. GK-61 đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, được thi công khoan bằng bộ máy khoan BU-75 do Liên Xô sản xuất, công suất trục tời nâng 75 tấn, khoan đến chiều sâu 2.400 m. Toàn bộ thiết bị nặng hơn 600 tấn, tháp khoan cao 50 m. GK-61 có kết quả khảo sát khả quan, các thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Sau nhiều nỗ lực triển khai thử vỉa giếng khoan, đến trưa ngày 18/3/1975, tại khoảng vỉa thử 1.148-1.150 m của GK-61 đã nhận được dòng khí tự do, lưu lượng khí và khí hóa lỏng (condensate) tương đối lớn, lưu lượng khí tự do tuyệt đối đạt tới 448.000 m3/ngày đêm. Qua nghiên cứu đã xác định ở độ sâu 1.146-1.152 m gặp vỉa khí có giá trị công nghiệp trong phụ tầng Tiên Hưng 1. Dòng khí đầu tiên đã phun lên từ lòng đất trong niềm hân hoan, vui sướng của mọi người chứng kiến giây phút lịch sử đó. Đây là giếng phát hiện dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí sau hơn 15 năm lao động, nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm của “những người đi tìm lửa”.
Ngày 18/3/1975, dòng khí đầu tiên được phát hiện tại Giếng khoan 61
Nối tiếp thành công từ GK-61, 12 giếng khoan khác được khoan khai thác tại mỏ khí Tiền Hải C, số lượng vỉa khí của mỏ là 14 vỉa với tổng trữ lượng tại chỗ là 1,3 tỷ m3. Trong giai đoạn này, ngoài việc thăm dò ở khu vực Tiền Hải, Thái Bình, công tác tìm kiếm còn được đẩy mạnh tại các vùng phụ cận như: Tỉnh Hưng Yên, Quỳnh Phụ - Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) hay Giao Thủy (tỉnh Nam Định) để khảo sát khả năng dầu khí ở các tỉnh này.
Trải qua biết bao gian nan, ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên đã được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện công suất 10 MW tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để thử nghiệm phát điện. Rất nhanh chóng, chỉ trong năm đầu, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện sản xuất 70 triệu kWh, tách được 380 m3 condensate. Đến nay, tổng sản lượng khí khai thác và cung cấp đạt khoảng 714 triệu m3, trong đó giai đoạn 1981-1992 chủ yếu phục vụ sản xuất điện. Tính theo tỉ giá quy đổi hiện nay, lượng khí khai thác mang về nguồn thu khoảng hơn 7.400 tỷ dồng.
Trạm xử lý khí đầu tiên và “Giếng tổ” tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Nhờ có nguồn khí phát hiện từ GK-61, tỉnh Thái Bình đã hình thành Khu công nghiệp Tiền Hải. Các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tiền Hải hoạt động trong ngành nghề sản xuất gạch ốp lát ceramic, granit, sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, sứ dân dụng, sứ cách điện, thủy tinh dân dụng, thủy tinh y tế, thủy tinh màu cao cấp, xi măng trắng... Trong đó có một số sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát đã xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... với doanh thu thời đó đạt tới 360 tỷ đồng, thu hút hơn 6.000 lao động, đóng góp ngân sách địa phương 9,5 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội và mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho vùng quê lúa Thái Bình.
“Khu lưu niệm Công trình khai thác Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam” là nơi lưu giữ truyền thống của ngành Dầu khí
Đến nay, mỏ khí Tiền Hải C và GK-61 không còn giữ vai trò quan trọng trong khai thác khí. Tuy nhiên, đây vẫn là “địa chỉ đỏ” để bất cứ người Dầu khí nào cũng muốn được đến và tìm hiểu về những giai đoạn khởi đầu đầy gian khó của ngành Dầu khí. Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khánh thành “Khu lưu niệm Công trình khai thác Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam” tại chính khu vực GK-61 này với ý nghĩa lưu giữ, phát huy truyền thống, lan toả giá trị văn hoá Dầu khí.
Gần nửa thế kỷ đã qua, thành công từ GK-61 đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng và phát triển ngành Dầu khí hiện đại như ngày hôm nay, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Đây cũng là thành quả của hàng nghìn con người gắn bó cả tuổi thanh xuân với những giàn khoan, vượt qua những khó khăn, vất vả, thiếu thốn để đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh như ngày hôm nay.