Việc phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đang được xem là chìa khóa giúp Việt Nam đạt các mục tiêu đầy tham vọng của Quy hoạch Điện VIII và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, nếu không có các quy định mang tính đột phá, mục tiêu này sẽ khó có thể thực hiện đúng tiến độ.
Vai trò tiên phong của doanh nghiệp Nhà nước trong việc phát triển ĐGNK
Theo Bộ Công Thương, ĐGNK là lĩnh vực còn nhiều thách thức về kỹ thuật, pháp lý và an ninh quốc phòng. Để đảm bảo triển khai hiệu quả, Bộ đề xuất giao các tập đoàn kinh tế nhà nước như Petrovietnam, EVN, hoặc doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đóng vai trò chủ trì. Đây là các đơn vị có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là Petrovietnam - doanh nghiệp đã chứng minh năng lực trong các dự án dầu khí ngoài khơi quy mô lớn cũng như vai trò góp phần đảm bảo anh ninh quốc phòng, dấu mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam.
Các chân đế trụ điện gió ngoài khơi thi công tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, TP Vũng Tàu. |
Với đặc điểm kỹ thuật phức tạp và quy mô đầu tư lớn, ĐGNK đòi hỏi sự phối hợp giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế có kinh nghiệm. Để đạt được mục tiêu kép về phát huy nội lực, khởi tạo phát triển được lĩnh vực ĐGNK và đảm bảo an ninh quốc phòng, Petrovietnam đã đề xuất bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hợp tác với đối tác quốc tế, đồng thời trao quyền cho công ty con thực hiện khảo sát và phát triển dự án. Kết quả của việc hợp tác với đối tác quốc tế để phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng đã được thực tế chứng minh qua lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhà nước thực sự đảm nhiệm vai trò tiên phong, cần sửa đổi rõ ràng hơn trong Luật Điện lực. Petrovietnam cho rằng, luật hiện hành chưa giải quyết được các vấn đề cốt lõi như quyền hợp tác quốc tế hay việc trao quyền triển khai dự án cho công ty con của DNNN.
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý là yếu tố quyết định thành công
Petrovietnam đã kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Dự thảo Luật Điện lực để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho các dự án ĐGNK. Điểm a Khoản 2 Điều 26 cần được điều chỉnh để Thủ tướng có thể giao DNNN xây dựng phương án huy động nguồn lực nội bộ thực hiện khảo sát. Trong khi đó, Điểm a Khoản 1 Điều 27 cần bổ sung nội dung cho phép các DNNN và các công ty con đề xuất đối tác hợp tác và thực hiện dự án đầu tư.
Một vấn đề khác là thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xuất khẩu điện từ ĐGNK hiện chưa được quy định rõ trong Khoản 4 Điều 12, dẫn đến khoảng trống pháp lý. Petrovietnam nhấn mạnh, cần xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt chủ trương đối với các dự án xuất khẩu điện, nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất.
ĐGNK không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu. |
Thúc đẩy nội địa hóa và gia tăng cơ hội phát triển công nghiệp ĐGNK trong nước
Kinh nghiệm từ ngành thủy điện cho thấy, việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án lớn có thể nâng cao năng lực sản xuất nội địa. Tuy nhiên, lĩnh vực ĐGNK hiện vẫn thiếu các chính sách rõ ràng để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Petrovietnam đề xuất bổ sung các cơ chế ưu đãi như: miễn giảm chi phí sử dụng khu vực biển, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, và quy định tỷ lệ nội địa hóa trong các hoạt động khảo sát, xây dựng, vận hành và tháo dỡ dự án. Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Khoản 4 Điều 25 của Dự thảo Luật Điện lực để quy định rõ về giá bán điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng kéo dài đàm phán giữa nhà đầu tư và EVN - đơn vị mua điện duy nhất hiện nay.
Liên danh PTSC - Sembcorp đón nhận giấy phép khảo sát các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. |
Hướng tới xuất khẩu điện gió ngoài khơi
ĐGNK không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu điện năng, đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam. Điều này đã được nêu rõ trong Quy hoạch Điện VIII.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, quy định chi tiết và khả thi, giúp doanh nghiệp tự tin triển khai các dự án mà vẫn đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh quốc phòng.
Đột phá chính sách: Điều kiện tiên quyết để thành công
Việc phát triển ĐGNK không chỉ đòi hỏi sửa đổi luật pháp mà còn cần sự đồng thuận và phối hợp giữa các cơ quan quản lý, DNNN, tư nhân và đối tác quốc tế. Những chính sách mang tính đột phá sẽ mở đường cho ĐGNK phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và khẳng định vị thế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu.
Theo PetroTimes