Ngày 25/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội thảo về công tác chuyển đổi số với chủ đề “Chuyển đổi số - Nền tảng cho phát triển bền vững”. Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) đối với sự phát triển của Tập đoàn, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác, phối hợp nhằm thực hiện CĐS đạt hiệu quả cao trên toàn chuỗi giá trị ngành dầu Dầu khí.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có ông Manish PraKash, Giám đốc Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Nhà nước Microsoft Châu Á- Thái Bình Dương; Ông William E. Abbott, Giám đốc kinh doanh giải pháp kỹ thuật số; Ông Kiran Babu Krissada, Giám đốc kinh doanh Kỹ thuật giải pháp Kỹ thuật số Bently Nevada; Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ NCS.
Về phía Petrovietnam có Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, các Thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, đại diện các đơn vị thành viên, văn phòng Tập đoàn.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong vài năm gần đây, thế giới nói chung và ngành Dầu khí nói riêng đã chứng kiến những sự biến động lớn về địa chính trị và môi trường kinh doanh. Đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây ra những vấn đề về sức khỏe, gây ra những biến động lớn trên thế giới, gây đình trệ sản xuất, giá nguyên liệu, nhiên liệu biến động mạnh và đặc biêt là sự đứt gẫy trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Giá dầu thô biến động khó lường, với những dự báo bất định trong tương lai gần đã tạo những áp lực, thách thức lớn cho ngành năng lượng trong đó Việt Nam nói chung và ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh những biến động về môi trường kinh doanh, bất ổn chính trị ở một số khu vực, ngành Dầu khí cũng đang phải đối mặt với sức ép quyết liệt trước xu hướng dịch chuyển năng lượng, giảm phát thải CO2. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự khan hiếm nhiên liệu, từ nhiều năm trước trên thế giới đã bắt đầu diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và chú trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Trong sự kiện COP26 diễn ra vào cuối năm 2021, các cam kết của chính phủ các nước đã tạo ra nhiều động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ và bền vững. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải nhà kính ở mức 35% vào năm 2030, hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Lãnh đạo Tập đoàn tham dự Hội thảo
Trước những xu thế và thách thức đó thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nhận thức CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại, đây không còn là việc nên làm mà trở thành việc bắt buộc phải làm để các doanh nghiệp tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí và ứng biến linh hoạt với môi trường kinh doanh hiện đại và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định rõ CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn, là công cụ để thực hiện dịch chuyển mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh.
Đối với Petrovietnam, trong những năm gần đây công tác số hóa và ứng dụng công nghệ số đã được nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn triển khai sâu rộng bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng số hóa, hệ thống quản lý dữ liệu lớn (BIG DATA). Ngay từ những ngày đầu chính thức bắt tay triển khai xây dưng dưng chiến lược CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Tập đoàn đó là CĐS trước tiên là thay đổi về nhận thức.
Ông Trương Quốc Lâm, Chánh Văn phòng Tập đoàn trình bày tham luận về công tác chuyển đổi số tại Tập đoàn
Từ năm 2020, Tập đoàn đã bắt tay vào xây dựng chiến lược CĐS bài bản cho Công ty mẹ - PVN, để hướng tới các mục tiêu: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trên toàn chuỗi giá trị năng lượng; Đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng trong khu vực và trên thế giới; Tối ưu hoạt động bộ máy quản trị và vận hành; Ứng biến linh hoạt với những thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó Tập đoàn đã ban hành Tầm nhìn số và Lộ trình chuyển đổi số cho Công ty mẹ Tập đoàn bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện CĐS.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với vai trò là Tập đoàn năng lượng hàng đầu trong nước và khu vực, trước xu hướng, những khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp dầu khí Petrovietnam nhận thức được mục tiêu cấp thiết về tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy dịch chuyển mô hình kinh doanh, dịch chuyển năng lượng, tìm ra những nguồn doanh thu mới, tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí và ứng biến linh hoạt trước những biến động của thị trường và CĐS là một công cụ thúc đẩy, hỗ trợ đắc lực cho Petrovietnam đạt được các mục tiêu trên.
Ông Manish PraKash, Giám đốc khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp nhà nước Microsoft Châu Á- Thái Bình Dương trình bày tham luận tại Hội thảo
Với chủ đề Hội thảo “Chuyển đổi số - Nền tảng cho phát triển bền vững”, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng mong rằng, các nội dung trình bày tại Hội thảo sẽ tạo cơ hội cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt về công tác CĐS của Tập đoàn và các đơn vị thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng mạng lưới nhân sự thực hiện chuyển đổi số chuyên trách trong Tập đoàn nhằm phối hợp CĐS đồng bộ và có hiệu quả nhất; tiếp cận và tìm hiểu với những công nghệ số hàng đầu đang được áp dụng trên thế giới có khả năng áp dụng và đem lại hiệu quả lớn cho các đơn vị của Petrovietnam. Hội thảo cũng là cơ hội để các cán bộ trong Tập đoàn chia sẻ về những thành tựu và bài học thu được trong hành trình CĐS tại các đơn vị, tìm kiếm những cơ hội để hợp tác, phối hợp tốt hơn trong hành trình CĐS trong Tập đoàn.
Ông William E. Abbott, Giám đốc kinh doanh giải pháp kỹ thuật số trình bày tại Hội thảo
Ông Vũ Mai Khanh, thừa ủy quyền Tổng Giám đốc Vietsovpetro trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các bài trình bày của Văn phòng Tập đoàn, tham luận của các đơn vị thành viên Vietsovpetro, BSR, PVCFC..., đặc biệt là các bài trình bày của các diễn giả đại diện cho các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Bently Nevada... với các nội dung gắn liền, có ý nghĩa thiết thực với hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp; cũng là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội thảo
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chương trình Chuyển đối số quốc gia cũng đã đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trên phạm vi quốc gia. Trong đó, một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số là chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng. Tổng Giám đốc Tập đoàn đặt ra yêu cầu, trước tiên phải ưu tiên xác định cuộc cách mạng công nghệ 4.0 giúp thay đổi được gì, áp dụng công nghệ gì và để chuyển đổi những gì. Có thể nói, CĐS buộc tạo ra sự thay đổi, trong cách thức, phương pháp vận hành dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh, tạo giá trị mới cho khách hàng.
“CĐS gắn với vai trò người lãnh đạo. Lãnh đạo mới tạo ra sự thay đổi. Bởi vậy thực hiện đúng sứ mệnh, người lãnh đạo phải tham gia đầu tiên về CĐS để từ đó đưa ra các giải pháp tích hợp cùng công nghệ số với các hoạt động DN nhằm thay đổi phương thức, cách thức, mô hình kinh doanh một cách tổng thể, toàn diện.” - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Thời gian qua, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong SXKD bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Ý thức về tầm quan trọng của CĐS, vào tháng 5 /2020 Tập đoàn thành lập ban chỉ đạo, tổ tư vấn, xây dựng lộ trình CĐS, tầm nhìn lộ trình, triển khai đồng bộ các mảng, cơ sở dữ liệu lớn, đặc biệt là ERP, đẩy mạnh công tác truyền thông Văn hóa số, đào tạo nâng cao nhận thức về CĐS triển khai thực tiễn ở nhiều đơn vị. Tuy nhiên, tình hình triển khai công tác CĐS còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai còn chậm
Qua Hội thảo lần này, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị: Lãnh đạo các đơn vị thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện chỉ đạo triển khai công tác CĐS; Tiếp tục đào tạo, nâng cao nhận thức cho toàn thể CBNV trong Tập đoàn về CĐS, đặc biệt là cấp lãnh đạo; Chỉ đạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp kết hợp với văn hóa số phù hợp với quá trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó thay đổi nề nếp, tác phong làm việc trong doanh nghiệp trên môi trường số;
Tổ chức đào tạo, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho toàn thể CBNV tại Tập đoàn và các đơn vị với Phương châm Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, không thể không làm và không ai có thể đứng ngoài cuộc, ngoài xu thế; Tập trung mọi nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công công tác chuyển đổi số của đơn vị trên cơ sở bám sát chủ trương chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Nghị quyết số 184/NQ-DKVN ngày 15/02/2022;
Đẩy nhanh công tác xây dựng Chiến lược chuyển đổi số/Kế hoạch chuyển đổi số và triển khai các sáng kiến số phù hợp với Chiến lược phát triển, Kế hoạch trung, dài hạn của đơn vị. Với giải pháp như vậy, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tin tưởng toàn Tập đoàn quyết tâm cao thực hiện thành công công cuộc CĐS vì mục tiêu phát triển bền vững của Petrovietnam trong tương lai.