Đây là đánh giá của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) bên lề cuộc gặp gỡ báo chí tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7.
Văn hóa quản trị doanh nghiệp trong Petrovietnam được hình thành sớm, giúp Tập đoàn giữ vững vị thế hàng đầu trong nền kinh tế dù thị trường có nhiều biến động
Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hoá thị trường” chuẩn bị diễn ra ngày 5/12/2024 tại TP HCM. Diễn đàn cũng sẽ công bố sáng kiến bộ chỉ số VNCG50 do Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) xây dựng và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ủng hộ.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD cho biết, việc đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty trong khu vực ASEAN có 6 nước tham gia, sau đó chọn ra 100 doanh nghiệp có giá trị đầu tư cao tại khu vực, dựa trên chất lượng quản trị rủi ro, tính minh bạch, cam kết đảm bảo lợi ích cổ đông và hiệu quả kinh doanh, khẳng định niềm tin vào tính minh bạch, chính trực của quản trị công ty.
Nêu lên doanh nghiệp làm tốt về hình thành văn hóa quản trị công ty, bà Hà Thu Thanh nhắc đến kinh nghiệm của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling). Đây là doanh nghiệp theo bà Thanh tuy việc thăm dò đi xuống khiến lợi nhuận giảm nhưng vẫn được xếp hạng cao về quản trị công ty trong các doanh nghiệp Việt Nam bởi PV Drilling đã làm tốt văn hóa quản trị biến động rủi ro và tìm ra phương án ứng phó tốt nhất. Qua đó, chất lượng quản trị công ty của PV Drilling được đánh giá cao.
Trao đổi với PetroTimes bên lề cuộc họp báo, bà Hà Thu Thanh cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) – Công ty mẹ của PV Drilling là tập đoàn thay đổi nhận thức và tiên phong trong quản trị công ty ở Việt Nam.
Các lãnh đạo của Petrovietnam, đặc biệt là Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng đã xây dựng quản trị công ty vào chương trình đưa tất cả người đại diện vốn của Petrovietnam trong các công ty thành viên học về văn hóa quản trị. Đến thời điểm hiện nay, VIOD tổng kết 30 khóa học về quản trị công ty, Petrovietnam là doanh nghiệp cử nhiều thành viên đại diện vốn đi học nhất.
“Điều này chứng tỏ cam kết của lãnh đạo Petrovietnam muốn thực hiện quản trị công ty một cách hiệu quả, minh bạch và đảm bảo, không chỉ để giảm hao hụt vốn, mà vốn đó phải được dùng một cách hiệu quả nhất, phân vai giữa người đại diện vốn và Ban Điều hành nhằm đảm bảo trách nhiệm, hiệu quả”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD: "Petrovietnam – Công ty mẹ của PV Drilling là tập đoàn thay đổi nhận thức và tiên phong trong quản trị công ty ở Việt Nam" (Ảnh: PT)
Do đó, theo Chủ tịch VIOD, bài học kinh nghiệm của PV Drilling có được chính nhờ tư duy người lãnh đạo đứng đầu mà ở đây là Công ty mẹ Tập đoàn. Quản trị ESG chưa bao giờ là đủ, đây là cốt lõi, mà bao trùm hơn là trách nhiệm, cam kết chất lượng quản trị công ty là gốc rễ, giúp thay đổi ở các công ty thành viên.
Từ câu chuyện của Petrovietnam, Chủ tịch VIDO Hà Thu Thanh nhấn mạnh, để cải thiện xếp hạng thẻ điểm quản trị công ty của Việt Nam trong khối ASEAN, chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt cần được nâng cấp hơn nữa. Đầu tư vào quản trị công ty được xem như là một hình thức đầu tư chiến lược để kiến tạo niềm tin cho hiện tại và tương lai, giúp doanh nghiệp bắt nhịp với quốc tế và có được sự tham gia sâu và rộng hơn của các nhà đầu tư quốc tế.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc VIOD cho biết, sáng kiến thẻ điểm VNCG50 là đánh giá độc lập, nhằm thu hẹp khoảng cách thực hành quản trị công ty doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam. Sáng kiến này ra đời nhằm hiện thực hóa tầm nhìn thị trường chứng khoán 2030, nâng cao chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết trên mức bình quân so với khu vực Đông Nam Á. Định kỳ một năm đánh giá một lần.
Thực tế, Việt Nam đã tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN (ACGS). Việt Nam liên tiếp giữ thứ hạng thấp, do đó, sáng kiến ra đời nhằm nâng hạng trong bảng xếp hạng lên mức trung bình đến năm 2026. Từ bộ thẻ điểm sẽ nâng cấp lên Bộ chỉ số VNCG50. Các doanh nghiệp ở trong danh sách top 50 này sẽ có thế mạnh lớn thu hút đầu tư.
Ông Long cho biết, việc lựa chọn top 50 doanh nghiệp bởi căn cứ vào thang đo của ASEAN. Nếu nhiều hơn số này sẽ không thể hỗ trợ đầy đủ cho các doanh nghiệp, ngược lại số ít hơn sẽ không đủ khả năng kéo điểm trung bình bảng xếp hạng quản trị công ty của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á lên, do đó, bộ phận kỹ thuật đã lựa chọn con số 50 doanh nghiệp. Thách thức đối với việc làm ra sáng kiến thẻ điểm này rất lớn bởi sau khi nâng lên thành Bộ chỉ số sẽ là sản phẩm của Sở Giao dịch Chứng khoán.
“Tiên phong và cam kết là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu của chính những doanh nghiệp tham gia thẻ điểm VNCG50, từ đó mang lại lợi ích lớn nhất cho họ là thu hút đầu tư và sự tín nhiệm. Chúng tôi sẽ công bố công khai bảng chấm điểm danh sách này để tăng tính minh bạch của thẻ điểm giúp doanh nghiệp tự nhìn nhận thấy mình cần cản thiện điều gì một cách rõ ràng. Chúng tôi rất cần các doanh nghiệp tiên phong để kéo bảng xếp hạng của Việt Nam trong khối ASEAN lên”, Tổng Giám đốc VIOD kêu gọi.
Theo pvn.vn