Ví dụ, việc ở Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) xảy ra thua lỗ liên quan trực tiếp đến những hành vi trái pháp luật của lãnh đạo PVC trong thời điểm 2010-2014 (thời điểm Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận đảm nhiệm Tổng giám đốc) và một số cá nhân liên quan. Hiện nay, những cá nhân này đang bị tạm giam phục vụ quá trình điều tra vụ án.
Trong đó, khi điều tra việc tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC giai đoạn 1, cơ quan điều tra phát hiện ra những dấu hiệu làm trái quy trình quản lý tài chính của Nhà nước, cũng như của chính PVN nên đã tiếp tục mở rộng điều tra. Đây là hành vi sai phạm của một vài cá nhân, cần được điều tra làm rõ chứ không phải là quy trình quản lý tài chính đối với các dự án của PVN trên cả nước tồn tại sự buông lỏng hay quản lý yếu kém.
Về vấn đề xảy ra thất thoát, thua lỗ tại PVC, mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng cần hiểu rằng, PVC chỉ là một đơn vị trực thuộc PVN chứ không phải là PVN. Mặt khác, sau khi triển khai tái cơ cấu PVC trong 3 năm qua, tập thể lãnh đạo PVC dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo PVN đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống cho gần 5 nghìn cán bộ công nhân viên, tìm mọi cách thoái vốn nhà nước tại các đơn vị kinh doanh thiếu hiệu quả, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Tổng công ty. Đây là những nỗ lực đáng trân trọng đặc biệt trong hoàn cảnh cán bộ công nhân viên PVC đang phải gồng mình đối phó với những hậu quả của thế hệ lãnh đạo trước.
Đặc biệt, Chính phủ đã có kết luận rõ về 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương và đang có phương án khắc phục. Trong 12 dự án đó có 5 dự án của PVN. Các dự án này cũng đều được đưa ra mổ xẻ cặn kẽ từng nguyên nhân từ quản lý, thị trường đến công nghệ. Thời gian qua, PVN đã nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để xử lý, khắc phục, đồng thời triển khai nhiều công tác cụ thể để đưa các dự án này hoạt động trở lại, đảm bảo hiệu quả đầu tư và thu hồi vốn cho Nhà nước một cách cao nhất.
Xin thông tin thêm với bạn đọc, giai đoạn 2007-2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì PVN vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
Số liệu được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận: Trong giai đoạn 2007-2017, PVN duy trì mức tăng trưởng bình quân 15-20%, nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hằng năm. Tổng tài sản toàn Tập đoàn là 760 ngàn tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất gần 440 ngàn tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm.
Hệ số nợ/tổng tài sản (hợp nhất tại thời điểm 30/9/2016) là 0,4 lần, bảo đảm an toàn cao cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), PVN đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và an ninh - quốc phòng…
Ngay trong năm 2017, Chính phủ đã tin tưởng giao PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để đảm bảo đà tăng kinh trưởng kinh tế cho đất nước. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác quy dầu 8 tháng đầu năm đạt 17,12 triệu tấn, vượt 0,1% so với kế hoạch 8 tháng và bằng 66,3% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 10,49 triệu tấn, sản lượng khai thác khí đạt 6,63 tỷ m3, sản xuất điện đạt 14,29 tỷ kWh. Các chỉ tiêu sản xuất khác cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản xuất đạm đạt 1,18 triệu tấn, vượt 10,3% kế hoạch 8 tháng; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 3,82 triệu tấn, vượt 19,8% kế hoạch 8 tháng.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn (tổng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 8 tháng đạt 319,6 nghìn tỉ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, PVN đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 60,2 nghìn tỉ đồng, vượt 19% so với kế hoạch 8 tháng.
Chúng tôi đưa những thông tin trên để bạn đọc có cái nhìn toàn diện và khách quan, đánh giá công bằng đối với hoạt động của ngành Dầu khí, với sự cống hiến của gần 60.000 người lao động đang ngày đêm vượt qua khó khăn làm việc trên các nhà máy, công trình dầu khí.
Một vài người đang bị khởi tố, bắt tạm giam là sai phạm của cá nhân, không thể là sai phạm của ngành Dầu khí. Việc những cá nhân đang phải chịu trách nhiệm trước những hành vi sai trái chỉ là hiện tượng cá biệt.
Trong khi nền kinh tế còn khó khăn, đất nước đang cần sự dấn thân cống hiến của mỗi người dân, mong rằng các nhà báo, phóng viên, khi đặt bút đề cập đến các sự việc ở PVN sẽ cân nhắc thận trọng, không tùy tiện phán xét để có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, làm tổn thương những người lương thiện, chân chính và nguy hại chung cho ngành, cho đất nước.