Tin Tập đoàn

Bụi mịn, khí thải - Kẻ thù nguy hiểm

Suốt mấy tuần nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác người dân phải sống chung với nguồn không khí ô nhiễm. Đến các bệnh viện lớn thấy số ca phải nhập viện điều trị về bệnh hô hấp tăng lên hai đến ba lần so với bình thường. Vấn đề trở nên rất nghiêm trọng, không thể xem thường.

 

Bụi mịn, khí thải - Kẻ thù nguy hiểm
Ảnh minh hoa

Gia đình tôi sống trong một khu đô thị mới ở quận Nam Từ Liêm Hà Nội. Hàng chục ngày nay vào lúc sáng sớm nhìn ra đường thấy bao phủ một màu trắng mờ như sương. Mấy tòa nhà chung cư cách hơn trăm mét chỉ thấy hình khối mờ ảo. Dễ thấy nhất là vắng bóng người đi tập thể dục. Thảng hoặc có cụ ông cụ bà chăm chỉ đi bộ phải đeo kính và đeo hai khẩu trang để chống bụi mịn. Theo các cụ thì nếu để sang buổi chiều tập vẫn không thoát được bụi.

Sáng ngày 11/11, biên tập viên thời tiết “Nhà đài” nói rằng: “Theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí tại Hà Nội ở ngưỡng cảnh báo tím, rất có hại cho sức khỏe”. Và không riêng Thủ đô, tại một số thành phố thuộc các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên... chất lượng khí trời cũng rất xấu, nhiều nơi cảnh báo đỏ.

So với năm trước thì năm nay ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân do đâu vẫn là những chuyện “biết rồi, khổ lắm”. Nhưng theo các nhà khoa học, vẫn phải nhắc lại những điều cơ bản nhất khiến cho kẻ thù vô hình có đất sống và nhắm vào con người, nhất là người dân đô thị. Trong muôn vàn lý do thì nguyên nhân do các xe loại xe cộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch là phổ biến nhất. Việc số lượng ô tô, xe máy tăng lên vô tội vạ và đều sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến cho tăng nhanh lượng khí thải gây ô nhiễm và phát tán bụi mịn.

Tính đến tháng 10/2024 Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện các loại. Trong đó, hơn 1,1 triệu xe ô tô, hơn 7 triệu xe môtô và xe gắn máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, nên đã gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, và xả khí thải vô tội vạ. Đáng sợ hơn trong “rừng xe” ấy có hàng nghìn xe cũ nát tham gia giao thông, gây ô nhiễm kinh hoàng. Lại còn một nguyên nhân trực tiếp nữa do hạ tầng nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, không được cải tạo, sửa chữa, xe cộ đi lại nhiều, thay đổi tốc độ liên tục cũng tạo nên bụi, khí sinh ra nhiều hơn.

Ngoài “thủ phạm” chính là ô tô, xe máy, bụi mịn sinh ra còn do việc xây dựng nhà ở, công trình giao thông tiến hành ồ ạt. Các đơn vị thi công và chủ nhà lơ là trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật như che chắn, rửa xe, vệ sinh... Trong khu đô thị mới, hầu như lúc nào cũng có hàng chục căn hộ được hoàn thiện và sửa chữa. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, khiến cho nhiều gia đình phải tạm thời sơ tán đi nơi khác trong một thời gian.

Có bệnh thì phải chữa, mà là chữa từ gốc. Phải làm gì để chống lại ô nhiễm không khí? Câu hỏi này không chỉ có ở Việt Nam, mà thật sự là chuyện của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có tới hơn 13 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm là do các nguyên nhân môi trường, trong đó có 7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Sau những thảm họa do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta không thể chấp nhận được hằng năm có số lượng ca tử vong lớn đến như thế, điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Chữa từ gốc là chữa nguồn phát sinh bụi mịn. Ngành Giao thông vận tải, chính quyền đô thị phải có trách nhiệm hàng đầu trong việc hạn chế số lượng ô tô, xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; sữa chữa nâng cấp các tuyến đường đô thị và ven đô. Phải quy hoạch khẩn trương, bảo đảm mật độ cây xanh, hồ nước. Dừng việc xây dựng các khu chung cư cao tầng trong nội đô.

Việc có thể làm ngay được là người dân ngoại thành không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch như dùng bếp điện, bếp từ, không dùng bếp than tổ ong gây nên rất nhiều khí độc, bởi thải ra lượng lớn khí carbon monoxide (CO), không màu, không mùi nhưng tác hại khôn lường.

Cuối cùng là, đã qua thời đại dịch Covid-19 nhưng mọi người hãy nhớ đeo kính, mang khẩu trang khi ra đường, khi lao động, tập thể dục thể thao. Không sợ “xấu”, không sợ “vướng”, chỉ sợ mang bệnh tật vào người khi mà đô thị của ta còn lắm khiếm khuyết, đầy những phiền toái và mầm bệnh.

Theo PetroTimes.

Bài viết liên quan