Trò chuyện với Tạp chí Năng lượng Mới, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, qua một quãng thời gian dài gắn bó, dõi theo từng bước phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), cho đến thời điểm này có thể khẳng định, Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từ lời “tiên tri” của Bác…
Là học giả nghiên cứu sâu về cuộc đời của Hồ Chủ tịch, đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết (trong bộ 5 cuốn) về Bác Hồ, chắc hẳn ông biết rất rõ về chuyến thăm Liên Xô, cách đây 65 năm của Người?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi xin được chia sẻ với độc giả của Tạp chí Năng lượng Mới rằng, từ năm 1957, trong chương trình của chuyến thăm các nước Đông Âu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến thăm giàn khoan dầu ở Albani và thăm nhà máy lọc dầu ở Bulgari.
2 năm sau (năm 1959, đúng 65 năm về trước) trong chuyến thăm đất nước Liên Xô xã hội Chủ nghĩa (XHCN), bên cạnh rất nhiều chương trình nghị sự quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành mối quan tâm cho ngành công nghiệp dầu khí.
Đặc biệt, ngày 23-7-1959, phái đoàn Việt Nam bay đến Bacu (Azerbaijan), “thủ đô dầu mỏ” của Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hồi lâu chăm chú nhìn qua ô cửa sổ máy bay, đã nói với một nữ nhân viên đại sứ quán trong nhóm cán bộ tháp tùng đoàn: “Cháu có thấy gì ở dưới máy bay không? Biển dầu đấy! Cháu thấy không, kia là máy hút dầu, xa xa là cầu nối từ đất liền ra biển để lấy dầu”. Im lặng đôi chút, Người nói thêm: “Dầu quý lắm, nước nào có dầu là giàu lên ngay!”.
Và khi đến tham quan khu công nghiệp dầu mỏ ở Bacu, trong lúc trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”…
PV: Chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của Hồ Chủ tịch: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu...”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta đều biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài về quân sự, văn hóa, ngoại giao… Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, không ít lần Người có những dự đoán vô cùng chính xác.
Và Người cũng có những quyết sách vô cùng đúng đắn trong lĩnh vực kinh tế. Tầm nhìn của Bác về ngành công nghiệp Dầu khí là một minh chứng.
Thời điểm đất nước chia cắt hai miền, miền Bắc vẫn còn rất nhiều khó khăn, người dân có lúc có nơi còn thiếu cả gạo ăn. Trong khi đó, Việt Nam vốn là quốc gia được “mẹ thiên nhiên” ưu đãi, có rừng vàng biển bạc, có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên lộ thiên, cũng như nguồn còn chưa được khai phá.
Có lẽ chính vì muốn nhân lên sức mạnh cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ mà Hồ Chủ tịch đã nghĩ đến việc phát triển một nền kinh tế thật mạnh mẽ, tự lực tự cường. Và Bác đã nghĩ đến ngành Dầu khí.
“Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu” - đây không chỉ là mong ước, là lời tiên tri của Bác, mà còn là niềm tin, là khát khao một nền công nghiệp Dầu khí giàu mạnh, làm điểm tựa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này…
PV: Vâng, chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Người lại chọn thăm các nước XHCN có nền công nghiệp Dầu khí phát triển?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong chuyến thăm Liên Xô của Bác vào năm 1959, ngoài việc thắt chặt quan hệ về chính trị, quân sự, ngoại giao… Người đồng thời cũng muốn xây dựng quan hệ về kinh tế với cường quốc này, đặc biệt là ngành Dầu khí.
Cũng ngay sau chuyến đi đó, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam. Đó là tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN để xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam.
Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, từ năm 1959, Chính phủ Liên Xô bắt đầu cử các chuyên gia địa chất dầu khí sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra địa chất dầu khí. Cùng lúc, Đảng cũng cử nhiều người con ưu tú sang các nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển để tiếp thu tri thức nhân loại, đặng sau này về nước gánh vác trọng trách với nền công nghiệp nước nhà.
Tiếp đó ngày 9-10-1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chất trong đó đã xác định rõ có tổ chức Đoàn Thăm dò Dầu lửa. Ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất đã chính thức ban hành Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 (tên quen gọi là Đoàn 36 và từ năm 1969 là Liên đoàn Địa chất 36), có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự kiện Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 chính thức ra đời đánh dấu chặng khởi đầu của ngành Dầu khí cùng những thay đổi, thăng trầm của đất nước. Có thể nói mỗi bước phát triển của ngành đều góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Người lao động PV GAS
… Đến đầu tàu nền kinh tế nước nhà
PV: Người ta nói, vạn sự khởi đầu nan…?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đúng vậy, ngành Dầu khí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tôi được biết, thế hệ “những người đi tìm lửa” đầu tiên đã phải vượt qua biết bao nhiêu gian khó, muôn vàn chông gai… để “bắt” các mỏ dầu, mỏ khí đang ngủ yên dưới biển sâu phải “thức giấc”, cung cấp cho các nhà máy sản xuất trong nước cũng như để xuất khẩu.
Có những cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành thậm chí phải làm thêm những công việc “tay trái” như nuôi bò, nuôi lợn, nung vôi, thậm chí làm thuốc pháo… để giữ được ngọn lửa Dầu khí luôn cháy trong tim.
Cũng trong những tháng ngày gian khó đó, đã nổi lên những người Anh hùng Lao động như: Trần Văn Giao; Trần Lê Đông lớp trước và Nguyễn Hùng Dũng sau này. Họ một lần nữa thể hiện được tinh thần vượt khó, dũng cảm đi đầu - dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Năm 1981, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập, cũng là bước đi hết sức đúng đắn của Đảng, Chính phủ, dưới tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Liên doanh này sau đó đã mang về những đồng ngoại tệ hết sức quý giá cho đất nước - khi vẫn còn vô vàn gian khó vì chiến tranh và bị bao vây cấm vận.
Ngoài ra, có một điều mà tôi thấy ít người nhắc đến, đó là Vietsovpetro không chỉ góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế còn hết sức khó khăn của Việt Nam, mà thậm chí còn giúp cả cho nước Nga, giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ. Những đồng USD thu được từ liên doanh này đã góp phần không nhỏ để nước Nga có thể tiếp tục cải cách, vươn lên từ đống tro tàn. Chính Tổng thống Liên bang Nga V. Putin cũng đã có lần nhắc đến chuyện này, trong các lần gặp lãnh đạo Việt Nam.
PV: Vâng thưa ông, bao thế hệ người dầu khí đã nỗ lực, quyết tâm cao độ để thực hiện mong ước của Hồ Chủ tịch, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam hùng mạnh. Và sự thực sau hơn nửa thế kỷ, Petrovietnam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào…
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Là một người có nhiều năm gắn bó với Petrovietnam nói riêng và ngành công nghiệp Dầu khí nói chung, tôi thực sự vui mừng chứng kiến sự đổi thay, “lột xác” ngoạn mục của Petrovietnam qua nhiều thời kỳ. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Người.
Từ thời còn là Vụ trưởng Vụ Báo chí, rồi Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho đến bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tôi vẫn luôn theo sát và ghi nhận, đánh giá rất cao những đóng góp của Petrovietnam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính từ khi phát hiện mỏ khí công nghiệp đầu tiên (ở Tiền Hải, Thái Bình), rồi đến sự kiện Vietsovpetro thu được tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ…, từng có giai đoạn tổng thu của Petrovietnam chiếm đến 30% GDP của cả nước. Giai đoạn sau này, dù cơ cấu nền kinh tế có nhiều đổi thay, Petrovietnam vẫn chiếm đến 10% GDP. Đây thực sự là những con số rất ấn tượng, minh chứng Petrovietnam đã và đang là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Bên cạnh nguồn thu cho ngân sách, hoạt động của Petrovietnam còn lan tỏa ra các ngành kinh tế khác, là động lực, là đòn bẩy cho các ngành công nghiệp khác như điện, phân bón, hóa chất…
Đặc biệt, sự có mặt của các công ty thành viên của Petrovietnam tại các địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đó, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Thanh Hóa… Đặc biệt Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Quảng Ngãi - là miền đất từng có nhiều năm nghèo đói xơ xác sau chiến tranh.
Cuối cùng, những giàn khoan hùng vĩ trên biển, những đường ống dẫn dầu, dẫn khí dài hàng trăm kilômét cùng hàng nghìn, hàng chục nghìn người lao động trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp… cũng đang góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền cũng như trên biển.
Thực sự Petrovietnam đã và đang làm rất tốt cả hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Người. Thực sự Petrovietnam đã và đang làm rất tốt cả hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng, tái tạo văn hóa Petrovietnam
PV: Để có được những thành tựu trên, ngoài nỗ lực quyết tâm vượt qua mọi gian khó của lớp lớp người lao động dầu khí, quá trình đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng ủy Petrovietnam cũng đóng vai trò rất quan trọng, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi đánh giá cao việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Petrovietnam.
Được biết, tháng 5-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 281 về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp. Sau 5 năm các nội dung trong Nghị quyết đã được triển khai liên tục, nề nếp, chuyên nghiệp, khoa học, tạo lập thói quen, hành vi ứng xử văn hóa trong toàn Tập đoàn.
Tiếp đó, ngày 8-11-2021, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch số 172-KH/ĐU về thực hiện Kết luận 01 và Học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng việc học tập và làm theo Bác trong toàn Tập đoàn.
Với định hướng tái tạo văn hóa Petrovietnam đi trước, đã định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh, mở đường định hướng chiến lược phát triển tập đoàn. Hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” được thấm sâu trong đời sống doanh nghiệp.
Từ đây, ý thức của người lao động dầu khí và chất lượng hoạt động tập thể được nâng cao hơn trước. Tinh thần đoàn kết, phối hợp trong các đơn vị được nâng cao. Công tác tái tạo văn hóa, truyền thông, hoạt động xã hội thực hiện song hành với các hoạt động sản xuất kinh doanh, là bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của Petrovietnam.
Qua 3 lần xét duyệt danh hiệu đạt chuẩn văn hóa kinh doanh, Petrovietnam và 11 đơn vị (8 công ty con và 3 công ty cháu) đã được công nhận trên tổng số 54 doanh nghiệp cả nước, chiếm tỷ lệ 22% và là một trong 10 đơn vị được công nhận đạt chuẩn ngay trong đợt đầu xếp hạng theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ.
Với 12 đơn vị đạt chuẩn, Petrovietnam đã hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu theo Nghị quyết 06 của Đảng ủy khối và về đích trước 2 năm chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch của Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tôi cho rằng, chính nhờ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời với việc triển khai tái tạo và phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách sâu rộng, “con tàu” Petrovietnam đã vượt qua “sóng dữ”, liên tục tăng trưởng trong những năm qua, khẳng định vị thế của tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước.
PV: Theo ông, Đảng ủy Petrovietnam cần làm gì để phát huy hơn nữa những thành công đã đạt được, cũng như giảm thiểu những thiếu sót?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi còn nhớ cách đây ít lâu, Petrovietnam từng lâm vào một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng như một con người, quá trình hoạt động của bất cứ một cơ quan đơn vị, tổ chức nào cũng có những nốt thăng trầm.
Nhưng tôi luôn luôn tin rằng, với nền tảng văn hóa - tư tưởng mà Đảng ủy Petrovietnam đã dày công vun đắp; đồng thời bằng trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu của hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên thì truyền thống xây dựng, phát triển ngành Dầu khí - dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; Đảng bộ cơ quan Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Tập đoàn - chắc chắn tiếp tục được phát huy. Petrovietnam sẽ sớm trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng, tiếp tục là cánh chim đầu đàn của quốc gia.
Để phát huy hơn nữa những thế mạnh sẵn có của mình, tôi nghĩ Đảng ủy, ban lãnh đạo Tập đoàn cần tiếp tục chăm lo xây dựng con người dầu khí mới, với các phẩm chất như bản lĩnh, sáng tạo, khát vọng và giàu trí tuệ.
Cùng với đó, việc tạo động lực và đoàn kết trong nội bộ tập đoàn cũng là điều hết sức quan trọng. Như đồng chí Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nói một cách rất đúng và rất trúng, là chúng ta luôn luôn cần tạo động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới để vươn tới những đỉnh cao!
PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức chân tình, tâm huyết với người dầu khí. Chúc ông thật nhiều sức khỏe!
Tôi cho rằng, chính nhờ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời với việc triển khai tái tạo và phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách sâu rộng, “con tàu” Petrovietnam đã vượt qua “sóng dữ”, liên tục tăng trưởng trong những năm qua, khẳng định vị thế của tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước.
Theo pvn.vn